Đứng ở góc độ giáo dục, các kỹ năng tự phục vụ đóng vai trò vô cùng quan trọng để trẻ phát triển vận động thô và vận động tinh. Chúng cũng trang bị cho trẻ khả năng tự chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện cả về thể chất và tinh thần. Khi được khích lệ tự làm các công việc cho bản thân, trẻ sẽ được nuôi dưỡng sự tự tin và tinh thần trách nghiệm, hai trong nhiều phẩm chất cần có của công dân thế kỷ 21.
1. Kỹ năng tự phục vụ phù hợp với mỗi lứa tuổi
Cha mẹ cần lưu tâm đến các kỹ năng phù hợp với lứa tuổi của trẻ, bởi vì nếu kỹ năng đơn giản và không có sự nâng cao tương ứng với lứa tuổi sẽ khiến trẻ nhàm chán, nhưng nếu kỳ vọng quá cao thì trẻ sẽ dễ nản lòng. Danh sách gợi ý dưới đây có thể giúp cha mẹ xác định mức độ sẵn sàng của các lứa tuổi mầm non ở một số kỹ năng:
* Trẻ từ 12-18 tháng: Với sự trợ giúp, trẻ có thể bắt đầu tự chọn quần áo (cha mẹ đưa ra vài lựa chọn), lau tay bằng khăn ẩm, rửa tay, bắt chước cha mẹ cầm thìa/ bàn chải…
* Trẻ từ 18-24 tháng: Trẻ có thể bắt đầu khám phá việc tự lấy thức ăn vào bát và xúc ăn, cầm cốc uống nước, rửa mặt và tay, đánh răng, xếp quần áo vào tủ, treo áo lên móc, cởi quần, cởi và cất giày, bỏ rác vào thùng…
* Trẻ từ 2-3 tuổi: Trẻ bắt đầu học cách sử dụng giấy ăn, dọn bát đĩa khi ăn xong, rót nước từ bình vào cốc, tự mặc áo chui đầu, chải tóc, đi giày không buộc dây, cho quần áo vào giỏ giặt, học cách lau vết bẩn,…
* Trẻ từ 3-4 tuổi: Ngoài việc tiếp tục thực hành các kỹ năng của 2-3 tuổi, trẻ cũng có thể thực hành cài cúc áo và buộc dây giầy, tự tắm và dọn giường với sự hỗ trợ, biết dùng bồn để rửa trái cây/ cốc, và các kỹ năng nấu ăn đơn giản (đập trứng, làm sandwich, cắt lát chuối…).
* Trẻ từ 4-6 tuổi: Trẻ sẽ nắm chắc hơn các kỹ năng được thực hành ở các lứa tuổi nhỏ hơn, trẻ đã có thể tự mặc quần áo, tự chọn quần áo phù hợp với thời tiết, dùng chổi và cây lau nhà, rửa trái cây/bát đĩa/cốc và học thêm các kỹ năng nấu ăn (nhặt rau, cắt nguyên liệu bằng dao an toàn…)
2. Ba bước quan trọng trong giáo dục trẻ kỹ năng tự phục vụ
a) Dành thời gian và Kiên nhẫn
– Dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ từ lứa tuổi Mầm non cần nhiều sự kiên nhẫn nhưng chắc chắn là con đường vững vàng và vô cùng giá trị, để hỗ trợ trẻ phát triển lòng tự trọng cũng như sức khỏe về thể chất và tinh thần cho con đến mãi sau này.
– Cha mẹ nên dành thời gian để dạy và hỗ trợ con khi con bắt đầu và giảm dần sự hỗ trợ khi con bắt đầu tự làm được để con xây dựng lòng tự tin và can đảm. Tiếp tục giám sát và theo dõi trẻ khi rèn luyện những kỹ năng này cho đến khi con hoàn toàn có thể làm một mình.
– Để dễ dàng hơn trong việc rèn luyện, một kỹ năng nên được chia thành nhiều bước và sử dụng các hỗ trợ trực quan như hình ảnh hoặc biểu tượng để mô phỏng (Ví dụ: Các bước rửa tay – làm ướt, lấy xà phòng, xoa tay, rửa lại với nước, lau khô tay).
b) Lên kế hoạch và Thực hành
– Cha mẹ có thể cùng con lên kế hoạch “Bé tự lập” để việc thực hành kỹ năng trở thành lịch trình hàng ngày, và dần trở thành thói quen lành mạnh cho con.
– Chuẩn bị các dụng cụ dành cho trẻ em và đặt vừa tầm với của trẻ, dạy trẻ thực hành với các dụng cụ cấp độ từ dễ đến khó: như từ áo phông đến áo sơ mi, từ thìa silicon đến thìa inox, từ giày không dây đến có dây…
– Cách tốt nhất để dạy trẻ là làm mẫu bởi vì trẻ Mầm non rất thích bắt chước, cha mẹ có thể vừa làm vừa hướng dẫn bằng lời nói một cách đơn giản cho trẻ, và thường xuyên dạy lại các bước thực hiện cho đến khi trẻ làm đúng.
c) Khuyến khích và Ghi nhận
– Cha mẹ nên khuyến khích con tự cố gắng để làm theo các bước, nhưng đồng thời cũng nên giúp đỡ khi cần thiết để con cảm thấy luôn được hỗ trợ và không dễ nản lòng.
– Trẻ mầm non rất cần sự hiện diện và đồng hành của cha mẹ, đặc biệt là sự ghi nhận và động viên con trong từng bước kỹ năng. Cha mẹ hãy khen ngợi con mỗi khi con hoàn thành được những kỹ năng mới để con cảm thấy có thật nhiều động lực tiếp tục hành trình học tập của mình.
3. Một số hỗ trợ tuyệt vời giúp trẻ học kỹ năng tự phục vụ
Các kỹ năng tự phục vụ sẽ trở nên dễ dàng hơn với một số công cụ hỗ trợ tuyệt vời như:
– Đồ chơi, búp bê: Đồ chơi nhà bếp, làm vườn, hay búp bê để trẻ thực hành đánh răng, mặc quần áo… là những cách thức đơn giản có thể giúp trẻ làm quen với kỹ năng tự phục vụ trước khi áp dụng với chính mình.
– Thông qua sách truyện, âm nhạc, thơ vè và các nhân vật hoạt hình: Một số sách truyện về kỹ năng tự phục vụ mà cha mẹ có thể đọc cho trẻ nghe như là: Mèo con đánh răng (NXB trẻ), Chuột Típ Không Muốn Ngủ (NXB Kim Đồng), Miu Miu tự lập – xúc cơm ăn (NXB Phụ Nữ), Get Dressed, Max and Millie – Felicity Brooks, Jesse Bear What Will You Wear – Nancy White Carlstrom… Ngoài ra, các series bài hát “Bé tập đánh răng”, “10 ngón tay thơm”… hoặc các nhân vật hoạt hình có thể truyền cảm hứng cho bé thực hành kỹ năng như bạn heo Peppa.
– Sử dụng Reward chart (Bảng phần thưởng): Một số trẻ gặp khó khăn trong kỹ năng vận động, xử lý hoặc ghi nhớ các bước thực hành có thể dễ chán nản hoặc thất vọng. Nhưng trẻ thường rất hứng thú với những lời khen ngợi và phần thưởng nhỏ mà cha mẹ có thể “lên kế hoạch” thông qua Reward chart (Bảng phần thưởng) với sticker để đánh dấu những công việc bé làm được và trao thưởng cho bé hàng tuần.
Hành trình nuôi dạy con cái chưa bao giờ là dễ dàng. Cha mẹ nào cũng mong muốn được bao bọc, chăm sóc và yêu thương con thật nhiều. Việc rèn luyện và trao cho con những cơ hội để tự lựa chọn, tự chăm sóc bản thân để sớm hình thành tính tự lập là một trong những chìa khóa vàng để trẻ có thể thành công hơn trong tương lai.