Các bệnh đường hô hấp dễ “hỏi thăm” mùa đông
Môi trường sống đang bị ô nhiễm nặng nề, nhất là tại các thành phố lớn, tình trạng không khí luôn ở mức báo động. Trong không khí chứa nhiều phần tử khí như ozone, nitrogen oxyde..., các phần tử khí này có thể là căn nguyên gây các đợt cấp của bệnh hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Thay đổi thời tiết có thể làm thay đổi thành phần bụi, gia tăng các dị nguyên đường hô hấp, thay đổi nhiệt độ và độ ẩm cũng là những yếu tố nguy cơ làm xuất hiện các đợt nhiễm trùng hô hấp.
Viêm phế quản cấp: Mầm bệnh gây viêm phế quản cấp thường là virus cúm influenza A và B, các virus parainfluenza, virus hợp bào hô hấp... Khi bị nhiễm virus, cơ thể giảm sức đề kháng nên dễ bị bội nhiễm bởi các loại vi khuẩn thường trú ở đường hô hấp và gây bệnh.
Tiêm vắc-xin phòng cúm hàng năm làm giảm đáng kể tần suất các đợt nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Hen phế quản: Người bị hen rất nhạy cảm với mọi kích thích gây bệnh như nhiệt độ lạnh, hóa chất, khói bụi, nấm, mốc, vi khuẩn; các yếu tố nội tại trong cơ thể như: nội tiết tố, dị ứng nguyên như thức ăn, thuốc chữa bệnh...Các thể hen cần chú ý để xử lý kịp thời gồm: hen phế quản thể khó thở kịch phát, thường gặp ở trẻ nhỏ; thể khó thở liên tục xuất hiện ngay từ đầu thường gặp ở bệnh nhân có tiền sử hen lâu ngày; thể hen có tràn khí màng phổi xảy ra ở người phế nang đã bị giãn; thể hen ác tính, hen do sử dụng aspirin; thể hen có cơn tăng huyết áp kèm theo...
Đợt cấp của tâm phế mạn: Khi thời tiết thay đổi thất thường, bệnh tim phổi mạn tính gây ra bởi các bệnh phổi mạn tính như viêm phế quản mạn tính, hen, giãn phế quản, giãn phế nang, lao phổi... rất dễ bị nhiễm khuẩn tạo nên những đợt bệnh cấp tính. Bệnh thường đột ngột diễn biến nặng, khó thở nhiều, có khi chỉ sau vài đợt bệnh cấp là dẫn đến tử vong. Vì vậy, bệnh nhân phải có biện pháp tự bảo vệ mình, phòng chống không để xảy ra đợt cấp của tâm phế mạn trong khi giao mùa là rất cần thiết.
Viêm phổi: Trước đây, viêm phổi được xếp làm 2 loại: điển hình (do vi khuẩn) và không điển hình (thường do virus). Ngày nay, người ta hay phân loại viêm phổi thành viêm phổi mắc phải ở cộng đồng dễ gặp hơn và viêm phổi mắc phải ở bệnh viện.
Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng với yếu tố gây bệnh thường gặp nhất là S. pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae, H. influenzae... Bệnh viêm phổi dễ gặp ở người cao tuổi, do khả năng thích nghi với thời tiết và sức chống đỡ bệnh tật ở người già kém, vốn có sẵn nhiều bệnh mạn tính (đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, he phế quản...) nên mức độ nguy hiểm của bệnh sẽ cao hơn.
Suy hô hấp: Chứng suy hô hấp mùa lạnh thường do nhiễm khuẩn, ở người có bệnh phổi - phế quản mạn tính, ở người nhiễm virus (cúm...). Suy hô hấp do nhiễm khuẩn điều trị hiệu quả hơn suy hô hấp ở người bị bệnh phổi mạn tính. Suy hô hấp sau cúm thường rất nặng, dẫn đến tử vong cao.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh
Làm sạch khí thở: Nhiều bụi, dị nguyên trong môi trường sống trong nhà, nơi làm việc là nguy cơ gây các đợt cấp bệnh hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Cần giữ môi trường không khí trong nhà sạch, được luân chuyển để hạn chế nguy cơ lan truyền các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp qua không khí. Khi đi ra ngoài trời, cần đeo khẩu trang để tránh các tác nhân gây bệnh.
Giảm tới mức thấp nhất ô nhiễm khói, bụi, các sản phẩm hóa chất ở nơi làm việc như bụi gỗ, thực vật, các chất xúc tác như chất tẩy giặt, các chất tiết của thú vật, các muối kim loại như chrom, niken, các hóa chất nhựa...
Không hút thuốc lá, tránh khói thuốc: Hút thuốc lá, thuốc lào, xì gà làm giảm rất rõ sức đề kháng của niêm mạc đường hô hấp. Khi hút thuốc, các lông di chuyển trên bề mặt các tế bào biểu mô phế quản bị giảm hoạt động làm giảm thải chất nhầy khỏi đường hô hấp. Các tế bào bảo vệ khác như các tế bào bạch cầu, đại thực bào cũng hoạt động không hiệu quả, do vậy dễ xuất hiện nhiễm trùng hô hấp. Hút thuốc thụ động cũng có tác động tương tự.
Chế độ dinh dưỡng và tập luyện: Cần nâng cao sức đề kháng bằng việc tập thể dục đều đặn, phù hợp sức khỏe. Trong mùa đông, không nên đi tập quá sớm (trước 5 giờ sáng) và quá muộn (sau 21 giờ).
Cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ năng lượng, cân đối để có sức chống lạnh. Thường xuyên vệ sinh răng miệng để tránh nhiễm trùng răng miệng, vi khuẩn trôi xuống cơ quan hô hấp và gây bệnh. Tránh các thức ăn đã từng gây dị ứng hoặc có thành phần sulfite thường thấy trong các chất bảo quản thực phẩm như khoai tây, tôm, hoa quả khô, bia, rượu đã qua chế biến vì thường gây các cơn hen.
Các lưu ý khác
Những bệnh nhân hen phế quản nên tránh dùng các thuốc aspirin, một số thuốc khác viêm không steroids khác khi đã từng xuất hiện cơn hen khi sử dụng các thuốc này. Những bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính có rối loạn thông khí tắc nghẽn không dùng các thuốc chẹn beta giao cảm. Việc tiêm vắc-xin phòng cúm hàng năm làm giảm đáng kể tần suất các đợt nhiễm trùng hô hấp.
Khi có dấu hiệu mắc bệnh hô hấp, người bệnh cần đi khám chuyên khoa hô hấp để có chỉ định điều trị cụ thể.