Theo thống kê, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia lười vận động nhất thế giới với 85% người Việt tập thể dục chưa đến 30 phút mỗi ngày. Nghiêm trọng hơn, phần lớn các bậc cha mẹ Việt Nam vẫn chưa định hướng đúng đắn cho trẻ về việc vận động thể chất bởi trong muôn vàn các mối quan tâm về việc nuôi dạy con thì vận động luôn xếp sau những ưu tiên học tập khác.
Thực tế, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng vận động thể chất mang lại rất nhiều lợi ích về sức khỏe. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ hiện đại cần có một cách nhìn nhận khác về vận động để giúp bé yêu của mình phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ.
Vì sao bạn nên cho trẻ vận động nhiều hơn?
Theo khảo sát của Viện nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người (IPD), Việt Nam, trẻ em Việt Nam dành hơn 3 giờ mỗi ngày để ngồi xem tivi, chơi điện tử. Trong khi đó, môn giáo dục thể chất tại trường học chỉ chiếm 90 phút trên tổng số 1.125 phút học tập mỗi tuần. Nếu bé cưng nhà bạn đang rơi vào tình trạng trên, bạn nên tìm cách giúp trẻ có cơ hội vận động nhiều hơn. Bởi theo nhiều nghiên cứu, việc vận động thể chất mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ nhỏ:
-
Tốt cho sức khỏe tim mạch: Cũng giống như các cơ bắp khác, cơ tim sẽ mạnh mẽ và dẻo dai hơn khi bạn vận động thường xuyên. Điều này giúp ngăn ngừa được nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch, vốn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
-
Tốt cho động mạch và tĩnh mạch: Tập thể dục làm giảm lượng cholesterol và chất béo có hại nên làm tăng tính linh hoạt của các thành mạch máu, từ đó có thể gián tiếp làm giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ.
-
Tăng cường sức mạnh của phổi: Việc vận động thường xuyên sẽ giúp chức năng trao đổi khí của phổi hoạt động tốt hơn. Điều này sẽ tăng khả năng hấp thu oxy của cơ thể và đào thải nhiều độc tố ra ngoài.
-
Giảm lượng đường trong máu: Việc vận động sẽ kích thích các cơ hấp thụ nhiều glucose và sử dụng nó làm năng lượng. Điều này giúp ngăn chặn tình trạng đường tích tụ trong máu và làm giảm nguy cơ bị đái tháo đường.
-
Kiểm soát cân nặng: Thói quen vận động thể chất có thể giúp giải phóng lượng calo dư thừa mà trẻ nạp vào cơ thể mỗi ngày, từ đó giúp ngăn ngừa sự tích tụ chất béo và giúp duy trì cân nặng ở mức ổn định.
-
Giúp xương chắc khỏe: Những trẻ vận động thể chất thường xuyên khi còn nhỏ sẽ đạt được mật độ xương cao nhất so với những trẻ không vận động. Từ đó, trẻ sẽ tránh được nguy cơ loãng xương trong tương lai.
Đặc biệt, ngoài những lợi ích trên, nhiều nghiên cứu còn chứng minh rằng vận động có thể kích thích sản sinh, liên kết các tế bào thần kinh, nâng cao năng lực trí não, từ đó tăng chỉ số IQ, phát triển khả năng tập trung, xử lý thông tin và sáng tạo. Cụ thể, việc vận động sẽ làm tăng lượng chất dẫn truyền thần kinh, kích thích kết nối giữa các nơron (thành phần cơ bản, quan trọng nhất của não bộ). Trong quá trình vận động, tim cũng hoạt động tích cực hơn, máu mang nhiều oxy và dưỡng chất cần thiết được bơm đều đặn đến não bộ, từ đó giúp não hoạt động hiệu quả.
Không những vậy, vận động thường xuyên còn là cách giúp tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch để phòng ngừa các nguy cơ bệnh tật. Nguyên nhân là do khi vận động, cơ thể sẽ tiết ra mồ hôi giúp bài tiết các độc tố và rửa trôi vi khuẩn gây hại tích tụ trên da. Điều này giúp tăng cường khả năng phòng thủ của làn da giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường, nhất là vi khuẩn gây bệnh.
5 trò chơi vận động cho trẻ đơn giản nhưng tốt cho sức khỏe
1. Đạp xe
Đạp xe xung quanh khu phố là một hoạt động tuyệt vời mà bạn nên khuyến khích trẻ thực hiện thường xuyên. Ngoài việc tăng cường vận động thể chất, đạp xe còn giúp trẻ trở nên tự tin, mạnh dạn. Không những vậy, trong quá trình đạp xe, trẻ cần phải khéo léo phối hợp giữa chân (đạp) và tay (bẻ lái) và mắt phải quan sát cẩn thận không gian xung quanh. Từ đó, trẻ sẽ rút ra được những kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết cho bản thân.
2. Chơi ở công viên
Đây cũng là một hoạt động vui vẻ dành cho cả gia đình bởi chơi ở công viên không chỉ cho phép trẻ tự do chạy nhảy, nô đùa mà còn giúp cả gia đình có cơ hội thư giãn, hít thở không khí trong lành. Lưu ý là nếu đo chơi vào ban ngày, ngoài việc chuẩn bị sẵn một ít đồ ăn nhẹ, bạn cần chuẩn bị cho con mũ và kem chống nắng. Ngoài ra, bạn nên mang theo một ít xà phòng diệt khuẩn để vệ sinh sạch sẽ tay, chân của trẻ sau khi chơi xong nhé.
3. Bơi lội
Bơi lội không chỉ giúp tăng cường sức khỏe mà còn là một kỹ năng sống hữu ích có thể giúp trẻ tự bảo vệ mình trong những trường hợp nguy hiểm. Không những vậy, nhiều nghiên cứu còn chứng minh bơi lội giúp sản sinh nhiều hormone tăng trưởng, từ đó giúp trẻ đạt được chiều cao tối đa.
Đặc biệt, những trẻ thường xuyên bơi lội còn phát triển khả năng ngôn ngữ, kỹ năng vận động sớm hơn những đứa trẻ không được tập luyện. Thêm vào đó, trẻ thích bơi lội còn có một hệ miễn dịch tốt hơn do những trẻ biết bơi thường có tâm lý tự tin, tâm trạng vui vẻ, độc lập và dễ thích ứng với mọi hoàn cảnh.
4. Chơi cầu lông
Đây là một hoạt động khá là đơn giản nhưng lại tràn đầy tiếng cười và có thể thắt chặt mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Cả gia đình có thể chia thành 2 đội và chơi cùng nhau. Bằng cách này, cả bạn và trẻ đều có thời gian vận động mà không cảm thấy mệt mỏi.
5. Chơi trốn tìm
Trốn tìm là trò chơi quen thuộc trong tuổi thơ của mỗi người nhưng ít ai ngờ rằng trò chơi này mang lại rất nhiều lợi ích cho sự phát triển của bé. Ngoài việc tăng cường sức khỏe thể chất, trò chơi này còn dạy cho trẻ khái niệm về sự tồn tại của sự vật, khuyến khích trẻ sử dụng trí tưởng tượng và phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề như cố gắng tìm nơi tốt nhất để trốn hoặc để tìm ra mục tiêu.
Bất kỳ hoạt động thể chất nào cũng tiềm tàng những rủi ro và trò “trốn tìm” này cũng vậy. Điều quan trọng là bạn phải tạo ra một khu vực an toàn cho trẻ, cấm bé leo đến một độ cao nhất định và chỉ cho trẻ những nơi con không nên trốn. Ngoài ra, bạn cũng nên quy ước một tín hiệu để kết thúc trò chơi trong trường hợp bạn không thể tìm thấy vì trẻ trốn quá kỹ hoặc đã quá muộn và đến lúc phải về nhà.
Hy vọng với những chia sẻ ở trên, bé cưng nhà bạn sẽ có những khoảng thời gian vui chơi bổ ích.