Vấn đề dinh dưỡng ở trẻ tưởng chừng đơn giản nhưng lại không đơn giản chút nào. Suy dinh dưỡng không phải chỉ xảy ra ở nông thôn, do đói ăn mà xảy ra ở cả những thành phố phát triển. Muốn phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em hiệu quả phải tìm hiểu nguyên nhân gây ra chúng như thế nào, từ đó mới có cách xử lý đúng đắn nhất. Vậy nguyên nhân gây ra suy dinh dưỡng ở trẻ là gì?
- Đầu tiên phải kể đến là sự mất cân đối của hệ vi sinh đường ruột. Trong đường ruột của chúng ta tồn tại cả lợi khuẩn và hại khuẩn. Chúng tồn tại song song với một tỉ lệ cân đối là 85% lợi khuẩn, 15% hại khuẩn. Chúng giúp nâng cao sức đề kháng, kích thích miễn dịch và giúp bảo vệ hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ dưới những tác hại gây bệnh. Tuy nhiên do những nguyên nhân như: sử dụng kháng sinh dài ngày, do đồ ăn nhiễm khuẩn hay trẻ mắc bệnh về tiêu hóa nên làm cho tỉ lệ cân bằng này bị mất đi, từ đó làm giảm sự hấp thu dinh dưỡng khiến trẻ nhẹ cân và dần trở nên suy dinh dưỡng.
- Trẻ bị thiếu Enzyme tiêu hóa. Đây là một nhân tố quan trọng trong quá trình tiêu hóa. Enzyme giúp chuyển hóa thức ăn thành dưỡng chất để đi nuôi cơ thể. Nên khi thiếu Enzyme thì trẻ ăn nhiều mà không hấp thu được, không tăng cân và vẫn thiếu hụt dinh dưỡng như thường.
- Sử dụng thuốc không đúng cách. Ở những giai đoạn trẻ dễ mắc bệnh như 6 tháng – 3 tuổi, bé sẽ có những bệnh lý về hô hấp, tiêu hóa nên cần phải điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên do sự lạm dụng kháng sinh để điều trị hay sử dụng không theo chỉ định... khiến cho bệnh lý không hết mà còn có hại đến cả hệ tiêu hóa của trẻ một cách nghiêm trọng như: mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, trẻ dễ bị viêm nhiễm hay nhạy cảm hơn với bệnh tật do mất khả năng sức đề kháng.
- Bản thân trẻ mắc những bệnh lý về tiêu hóa: viêm ruột, loét dạ dày, kích thích ruột.. Điều này khiến trẻ không có hứng thú trong ăn uống và làm giảm khả năng hấp thu gây nên suy dinh dưỡng.
Suy dinh dưỡng cũng có nhiều nguyên nhân tính theo các giai đoạn phát triển từ thai nhi cho đến khi lớn như:
- Giai đoạn mang thai mẹ không ăn uống đầy đủ, không bổ sung các vi chất theo từng giai đoạn. Khiến trẻ thiếu hụt các vi chất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể. Đồng thời không đủ cân nặng và còn kéo theo tình trạng sinh non nhẹ cân và thiếu tháng.
- Giai đoạn trẻ bú mẹ: Nguyên nhân chính là mẹ ít sữa, mất sữa hay một nguyên nhân nào đó mà bé phải ăn sữa ngoài hoàn toàn, không có sữa mẹ. Mẹ hay người chăm sóc chưa được trang bị đủ kiến thức về chăm trẻ nên dẫn đến trẻ không bú đủ cữ sữa, không đủ sức đề kháng ( có trong sữa mẹ để kháng lại bệnh tật) dẫn đến trẻ gầy, yếu và chậm phát triển hơn những trẻ cùng độ tuổi.
- Giai đoạn trẻ đã ăn dặm: Sai lầm lớn ở giai đoạn này là mẹ cho con ăn sớm quá hay muộn quá. Theo các chuyên gia thì ở giai đoạn 6 tháng trẻ có thể bắt đầu tập ăn dặm. Nếu sớm quá thì hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện không hấp thụ được thức ăn hay do muộn quá thì dinh dưỡng không đáp ứng đủ nhu cầu cũng gây nên suy dinh dưỡng.