Cảm cúm ở trẻ em là một bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan, chỉ cần một cái ho hay hắt hơi từ người bệnh cũng có thể làm các bé bị cảm cúm đấy. Cho tới thời điểm hiện nay, tiêm vacxin cúm là một trong những cách phòng ngừa bệnh tốt nhất.
Hạn chế tiếp xúc với những người đang mắc bệnh cảm cúm
Cảm cúm ở trẻ em là bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan, chỉ cần một cái ho hay hắt hơi từ người bệnh cũng có thể làm bé bị cúm, vì vậy, để đảm bảo an toàn cho bé và cả gia đình, mẹ cần tránh cho bé tiếp xúc với những người đang mắc bệnh cúm, ngay cả mẹ, nếu đang mắc bệnh thì cũng nên hạn chế tiếp xúc với bé.
Rửa tay thường xuyên – Thói quen tốt giúp bé tránh xa bệnh cảm cúm
Với những bé nhỏ, mẹ cần rửa tay thường xuyên cho bé với nước sạch và xà phòng. Nếu bé đã đến tuổi đi học, mẹ có thể để sẵn chai nước rửa tay khô trong cặp của bé và dạy bé rửa tay đúng cách để phòng ngừa lây nhiễm cảm cúm.Rửa tay là cách phòng ngừa cảm cúm ở trẻ hữu hiệu
Vacxin giúp bé ngăn ngừa cảm cúm hiệu quả
Đối với các bé từ 6 tháng tuổi trở lên, mẹ nhớ đưa bé đi tiêm chủng vacxin cúm hàng năm nhé (đặc biệt là các bé mắc các bệnh mạn tính như suyễn vì khi bé bị cảm cúm cũng rất dễ kích thích các cơn hen suyễn).
Ngoài vacxin theo đường tiêm, hiện nay đã có thêm vacxin ngừa cúm đường mũi cho những bé từ hai tuổi trở lên và hiệu quả tương tự như vacxin tiêm. Vacxin cúm khá an toàn, tuy nhiên, trong một số trường hợp bé có thể bị đau, sưng tấy ở chỗ tiêm, một số bé có thể bị sốt nhẹ, nhức mỏi. Vacxin ngừa cúm đường mũi đôi khi có thể khiến bé sổ mũi, thở khò khè, đau đầu, nôn, đau cơ, sốt. Tuy nhiên mẹ cũng không nên quá lo lắng bởi vì chúng thường nhẹ và nhanh chóng biến mất trong thời gian ngắn mà thôi.
Phòng ngừa cảm cúm ở trẻ bằng thuốc
Trong một số trường hợp bé có thể được điều trị dự phòng bằng thuốc. Amantadine và Rimantadine thường dùng để dự phòng nhiễm cúm tuýp A với hiệu quả lên đến 70-90%. Thuốc này thường được sử dụng trong trường hợp bé có nguy cơ cao mắc bệnh cúm nhưng lại không thể chủng ngừa vacxin hoặc vacxin vừa chích không có tác dụng do kháng nguyên của vi rút gây bệnh thay đổi.
Phương pháp hạn chế lây bệnh cảm cúm sang người khác
Nếu bé yêu nhà mình đang bị cảm cúm, mẹ cũng nên áp dụng những hướng dẫn dưới đây để hạn chế lây lan sang các thành viên khác trong gia đình.
- Tránh hôn lên miệng hoặc vùng quanh miệng của bé
- Dạy bé ho hay hắt hơi vào khăn giấy và để khăn giấy sau khi hắt hơi đúng chỗ
- Rửa tay sạch trước và sau khi chăm sóc bé
- Rửa đồ dùng của bé trong nước xà phòng nóng hoặc máy rửa chén
- Không để người khác dùng chung ly uống nước, đồ dùng cá nhân và bàn chải đánh răng của bé
- Lau dọn và khử trùng nhà cửa thường xuyên để giảm bớt bụi bẩn, vi trùng, vi khuẩn.