Trẻ bị huyết áp cao thường có biểu hiện nhức đầu, nôn ói, chóng mặt, đỏ bừng mặt, vã mồ hôi, hồi hộp, đánh trống ngực, giảm thị lực, co giật, mệt mỏi, phù...
Cách trị huyết áp cao ở trẻ
Nếu trẻ bị huyết áp cao mà không được điều trị sẽ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng như bị suy tim, suy thận, tai biến mạch máu não hay bệnh não.
Thay đổi chế độ ăn uống
Để điều trị cao huyết áp ở trẻ em cần tăng cường chế độ ăn uống giàu chất xơ, chú trọng đến rau xanh, trái cây và đảm bảo đủ dưỡng chất, calo cần cho mỗi ngày. Hạn chế thực phẩm chứa nhiều cholesteron và axit béo bão hòa như mỡ động vật, da. Bên cạnh đó, tránh cho trẻ ăn nhiều các loại thức ăn có nhiều muối hoặc đồ ăn ngọt, hạn chế các món rán, xào nhiều dầu mỡ để phòng bệnh béo phì ở trẻ.
Duy trì trọng lượng cơ thể
Để điều trị cao huyết áp ở trẻ, các bậc phụ huynh cần phải thường xuyên chú ý đến trọng lượng của trẻ. Trọng lượng cơ thể được tính bằng chỉ số BMI, trẻ được coi là béo phì nếu BMI nằm trong vùng phân vị lớn hơn 95, béo phì làm cho bệnh cao huyết áp ở trẻ nặng thêm. Đối với trẻ bình thường thì bố mẹ cũng nên lưu ý tới vấn đề này để phòng bệnh cao huyết áp ở trẻ.
Giảm stress ở trẻ
Stress là nguyên nhân gây ra cao huyết áp ở cả người lớn và trẻ em. Vì vậy bố mẹ hãy giúp trẻ giảm căng thẳng, áp lực trong cuộc sống, giúp cho việc điều trị huyết áp cao ở trẻ có kết quả tốt.
Tăng cường các hoạt động thể chất
Phần lớn trẻ mắc bệnh cao huyết áp là lười vận động, ăn uống thiếu khoa học, từ đó dẫn tới béo phì. Vì vậy cần tập cho trẻ thói quen tập thể dục hằng ngày, tham gia các hoạt động xã hội cùng với bạn bè. Từ đó, dư thừa trọng lượng sẽ giảm và việc điều trị huyết áp cao ở trẻ em sẽ có kết quả tốt hơn.
Sử dụng thuốc hạ huyết áp
Sau khi đã áp dụng các phương pháp như thay đổi lối sống, ăn uống ... không kết quả, các thuốc hạ huyết áp sẽ được chỉ định để đưa trị số huyết áp của trẻ về bình thường. Các thuốc được dùng là thuốc lợi tiểu để thải bỏ nước và muối; thuốc chẹn beta, chẹn kênh canxi, thuốc ức chế men chuyển cũng thường được sử dụng để điều trị huyết áp ở trẻ em. Theo dõi huyết áp thường xuyên để điều chỉnh lượng thuốc điều trị.