Đặc biệt, đối với những bậc phụ huynh mới "lên chức", việc thiếu kiến thức về chăm sóc trẻ nhỏ khi ốm sốt càng khiến cả gia đình thêm rối ren.
Tham khảo ngay "cẩm nang" cùng con chiến thắng những cơn ốm sốt qua chia sẻ từ PGS.TS.BS. Nguyễn Anh Tuấn (Trưởng khoa Nội Tổng quát 2, BV Nhi đồng 1 và Phó Trưởng Bộ môn Nhi, Đại Học Y Dược TP.HCM).
Thưa bác sĩ, sốt là một trong những tình trạng thường gặp ở trẻ em. Xin bác sĩ cho biết hiện tượng sốt ở trẻ nhỏ chủ yếu đến từ những nguyên nhân nào và có ảnh hưởng thế nào đến cơ thể bé?
Trước hết, cha mẹ cần hiểu rằng sốt không phải một bệnh mà là một cơ chế sinh lý giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Nguyên nhân gây sốt rất đa dạng và khác nhau theo từng độ tuổi. Trẻ 1-2 tuổi thường sốt do các nguyên nhân như mọc răng, phản ứng sau chích ngừa, viêm tai,... còn ở trẻ trên 3 tuổi thì hay sốt do cảm cúm, viêm phế quản hay các bệnh theo mùa (sốt siêu vi, sốt phát ban,...)
Sốt là một trong những tình trạng thường gặp ở trẻ em
Bình thường, nhiệt độ cơ thể dưới 37,5 độ C. Khi sốt, nhiệt độ cơ thể bé tăng lên, có thể từ 38-40 độ C kèm cảm giác khó chịu, mệt mỏi. Sốt cao có thể làm cho trẻ lạnh run, bứt rứt, quấy khóc, biếng ăn hoặc có thể gây ra những cơn co giật do sốt.
Thưa bác sĩ, với triệu chứng khi sốt như thế nào thì phụ huynh cần đưa bé tới cơ sở y tế ngay lập tức?
Tôi luôn khuyến cáo các bậc phụ huynh nên đưa con tới gặp bác sĩ để kiểm tra nếu con nhỏ dưới 3 tháng tuổi sốt từ 38 độ, hoặc 3-36 tháng tuổi sốt từ 38 độ trong 3 ngày. Đặc biệt, khi trẻ có các biểu hiện co giật, cổ cứng, lơ mơ, bồn chồn, nôn ói, phát ban,…cha mẹ cần đưa bé tới cơ sở y tế gần nhất. Đối với sốt nhẹ, không kèm triệu chứng bất thường, bé vẫn ăn bú tốt thì cha mẹ có thể tự chăm sóc và theo dõi con tại nhà, đồng thời giữ liên lạc chặt chẽ với nhân viên y tế.
Khi chăm sóc con ốm sốt tại nhà, các bậc phụ huynh cần lưu ý điều gì thưa bác sĩ?
Nguyên tắc quan trọng nhất cha mẹ cần ghi nhớ là bình tĩnh, không cuống lên khi trẻ sốt. Hãy để con nằm nghỉ trong không gian thoáng mát, cần đảm bảo con luôn được uống đủ nước, thậm chí uống nhiều hơn ngày thường nếu trẻ sốt cao. Kế đó là vẫn đảm bảo một thực đơn ăn uống đủ chất dinh dưỡng và dễ tiêu. Các món ăn cần đảm bảo cân bằng đủ 4 nhóm cần thiết: chất béo, chất đạm, chất đường bột, vitamin và khoáng chất.
Thuốc hạ sốt hiện được nhiều gia đình lựa chọn để giúp bé giảm cảm giác khó chịu, tránh những tổn thương cho cơ thể. Vậy theo bác sĩ, đâu là những tiêu chí cần thiết khi lựa chọn thuốc hạ sốt cho con?
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc hạ sốt có thể mua mà không cần kê đơn. Tuy nhiên, cha mẹ chỉ nên cho con sử dụng thuốc khi trẻ sốt trên 38 độ C và lựa chọn sản phẩm phù hợp dựa trên 3 tiêu chí: thành phần, liều lượng và định dạng thuốc.
Trước hết, về thành phần thuốc, Paracetamol là thành phần duy nhất được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo an toàn cho trẻ em dưới 1 tuổi. Các thành phần khác có thể gây tác dụng phụ nhiều hơn và thường được khuyến cáo giới hạn độ tuổi sử dụng. Chẳng hạn, Ibuprofen chỉ được sử dụng cho trẻ trên 6 tháng tuổi, Aspirin không dùng để hạ sốt cho trẻ dưới 12 tuổi.
Liều lượng thuốc bé uống cũng cần tuân theo quy chuẩn tương ứng với độ tuổi, cân nặng và tần suất sử dụng. Việc uống thuốc quá liều dễ gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn, còn sử dụng thiếu liều có thể khiến bệnh không được điều trị dứt điểm.
Dựa theo điều kiện thể trạng, liều paracetamol an toàn cho trẻ em được khuyến cáo là từ 10 – 15 mg/kg. Để thuận tiện, cha mẹ có thể chọn mua thuốc phân chia chuẩn liều lượng như 80mg, 150mg, 250 mg.
Bảng quy chuẩn liều dùng Paracetamol theo cân nặng của trẻ
Về tần suất sử dụng thuốc, trẻ sơ sinh được khuyến cáo chỉ nên sử dụng 3-4 lần thuốc/ ngày và cách 6-8 tiếng/ lần uống. Đối với các bé lớn hơn, liều dùng như trẻ sơ sinh nhưng nhịp cho thuốc gần hơn, thời gian sử dụng thuốc có thể cách 4-6 tiếng/ lần uống và không dùng quá 5 lần trong 24 giờ.
Thuốc giảm đau hạ sốt có chứa Paracetamol có rất nhiều dạng bào chế với các ưu, nhược điểm khác nhau. Dạng viên nén, viên nang có độ phù hợp thấp với trẻ vì khó nuốt. Hỗn dịch siro dạng lỏng dễ uống nhưng bảo quản khó khăn. Còn theo các thử nghiệm lâm sàng, Paracetamol dạng sủi và dạng viên nhét hậu môn được cho là phù hợp nhất với trẻ em.
Tại sao thuốc giảm đau hạ sốt dạng sủi và dạng viên nhét đường hậu môn lại phù hợp nhất với trẻ nhỏ? Xin bác sĩ chia sẻ thêm về các lưu ý khi sử dụng?
Paracetamol dạng sủi hoạt động theo cơ chế phóng thích bọt khí và hoạt chất khi thuốc gặp nước, giúp các chất dung nạp vào cơ thể tốt hơn và đem lại tác dụng nhanh hơn so với dạng viên nén và viên nang. Định dạng này cũng thuận tiện vì có thể được pha lẫn với sữa hoặc sinh tố để bé dễ uống hơn.
Thuốc đặt hậu môn cũng được chứng minh đem lại hiệu quả tương đương do hấp thu trực tiếp vào cơ thể qua đường trực tràng. Các bậc phụ huynh có thể sử dụng viên đặt hạ sốt trong lúc con ngủ hoặc khi bé bị nôn ói. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý không sử dụng thuốc khi bé bị viêm hậu môn, trực tràng hoặc có dấu hiệu chảy máu trực tràng.
Việc lựa chọn định dạng thuốc phù hợp sẽ giúp bé yêu hợp tác hơn khi uống thuốc
Xin cảm ơn những chia sẻ của bác sĩ!
Thông qua chia sẻ của PGS.TS.BS. Nguyễn Anh Tuấn, chúng ta có thể hiểu sốt là biểu hiện của việc cơ thể con đang "chiến đấu" cùng các tác nhân gây bệnh, là một phần bắt buộc trên hành trình phát triển của con. Thay vì lo lắng, cha mẹ hãy nắm vững những kiến thức kể trên để thêm tự tin đồng hành cùng bé nhé.