Xung quanh vấn đề tiêm chủng có rất nhiều điều mà người dân đang quan tâm và Chương trình COVID-19: Phòng và chống" đề cập đến một khía cạnh quan trọng là những vấn đề liên quan đến bệnh lý nền trong tiêm chủng vaccine.
Để nói về COVID-19 sau hơn 2 năm hoành hành, chỉ có thể dùng hai chữ "kinh hoàng". Trên toàn thế giới, đã có hơn hai trăm triệu người nhiễm COVID-19. Hiện chúng ta ghi nhận gần 250.000 ca tính đến thời điểm ngày 14/8.
Cần khẳng định bất kỳ ai trong chúng ta cũng có khả năng lây nhiễm COVID-19. Tuy nhiên đối với những người mắc bệnh lý nền, đây là nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm COVID-19 và tử vong cao hơn rất nhiều so với những người bình thường.
Trước tiên, chúng ta cần định nghĩa bệnh lý nền là bệnh gì. Bệnh nền là những bệnh đã có sẵn, có nghĩa là lúc nào người có bệnh nền cũng phải đối đầu với bệnh đó, phải uống thuốc, thăm, tái khám thường xuyên.
Đối với những người bệnh lý nền, việc tiêm chủng vô cùng quan trọng
Nghiên cứu của các chuyên gia chỉ ra rằng những bệnh lý nền mãn tính cần đặc biệt lưu tâm trong giai đoạn COVID-19 hiện nay bao gồm: ung thư, bệnh thận mãn tính, các bệnh lý về tim mạch và tăng huyết áp, bệnh gan, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, người có tình trạng béo phì và một số bệnh lý khác.
Theo một số thống kê, khoảng 75% số ca COVID-19 nặng, tiên lượng xấu có ít nhất một bệnh lý nền.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nói về sự nguy hiểm khi bệnh nhân có bệnh nền bị nhiễm COVID-19: "Những bệnh liên quan đến hô hấp, tuần hoàn, tiết niệu là những bệnh mà có thể dẫn đến tình trạng tử vong bất cứ lúc nào, đặc biệt là những cái trường hợp bệnh nhân bị suy tim hay suy thận mãn. Trên nền các cơ quan bị suy chức năng thì tình trạng mất cân bằng sẽ xảy ra. Chức năng thận suy giảm sẽ có thể dẫn đến chức năng tim không ổn định và có thể dẫn đến rối loạn đông máu. Chính vì vậy, khi bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 và đặc biệt là những ngày thứ 7, thứ 8 và đến tận ngày thứ 15 là những ngày mà COVID-19 tấn công mạnh nhất vào các cơ quan của chúng ta. Gần như 50% các bệnh nhân chúng ta đã không giữ được".
Bệnh nhân mắc bệnh nền có thể tiêm COVID-19 hay không?
Khi mắc các bệnh lý nền cơ thể hay hệ miễn dịch kém sẽ khiến bệnh nhân càng dễ mắc COVID-19 hơn. Câu hỏi được đặt ra là liệu những bệnh nhân mắc các bệnh lý nền có thể tiêm chủng để phòng tránh bệnh hay không hay liệu việc tiêm chủng sẽ có những tác động không tốt đến sức khỏe của họ?
Giải đáp câu hỏi này, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết: "Đối với những người bệnh lý nền thì việc tiêm chủng vô cùng quan trọng. Đầu tiên, chúng ta thấy rằng nếu những người bệnh lý nền được tiêm chủng thì khả năng bảo vệ, lợi ích vượt trội so với lại nguy cơ. Tại vì những người bệnh lý nền đã phải sử dụng những thuốc hoặc cơ thể của họ trải qua quá trình trị bệnh. Tiêm chủng giúp những người bệnh lý nền được bảo vệ là việc vô cùng quan trọng".
TS.BS. Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khuyến cáo: "Các vaccine hiện tại đang được triển khai ở Việt Nam đều đạt đến độ an toàn và được phép sử dụng, kể cả những cái người có bệnh lý nền. Bản thân các nhà sản xuất trong hướng dẫn của mình cũng không có điểm đặc biệt lưu ý nào liên quan đến vấn đề bệnh lý nền. Người bệnh lý nền cũng đã có rủi ro của họ hoặc những phát sinh từ bệnh lý đó. Chúng ta nhớ một điều là khi tiêm chủng sẽ có những phản ứng thông thường như sốt. Với những người đã có sẵn bệnh lý nền, có thể những biểu hiện bệnh lý nền sẽ tăng hơn và tâm lý lo sợ nữa làm cho huyết áp của họ tăng vọt, thậm chí vượt cả ngưỡng nguy hiểm. Đấy chính là mối nguy cơ cho những người có bệnh lý nền và chính bởi lý do đó, việc khám phân loại cũng như theo dõi sau tiêm đối với người có bệnh lý nền sẽ phải thận trọng hơn rất nhiều".
Theo chuyên gia, người bị bệnh lý nền vẫn nên được tiêm chủng để phòng chống COVID-19. Tuy nhiên việc thực hiện tốt một số lưu ý sau đây sẽ giúp cho việc tiêm chủng của bạn được diễn ra an toàn hơn:
- Người mắc bệnh lý nền cần được tiêm chủng tại bệnh viện thay vì các điểm tiêm chủng cộng đồng.
- Tuân thủ mọi hướng dẫn khuyến cáo của bác sĩ, nhân viên y tế trong quá trình tiêm chủng.
- Chuẩn bị hồ sơ giấy tờ liên quan đến tình trạng sức khỏe của bạn.
- Nếu bạn đang tiềm ẩn một số bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, bệnh thận mãn tính, dị ứng thuốc cần mang theo hồ sơ bệnh án cũng như tham khảo kỹ tư vấn của bác sĩ trước khi tiêm.
- Sau quá trình tiêm chủng, người nhà cần có chế độ chăm sóc theo dõi sát sao trong khoảng một tuần và tiếp tục theo dõi 28 ngày sau tiêm để hạn chế các tác dụng phụ bất lợi của tiêm chủng với bệnh nhân mắc bệnh lý nền.
- Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào bất thường, cần thông báo ngay cho cơ sở y tế để kịp thời xử lý.