Phòng tránh sốt xuất huyết ở trẻ em
Ảnh minh họa
Mùa mưa kéo dài là điều kiện thuận lợi để bệnh sốt xuất huyết bùng phát. Với trẻ em sức đề kháng yếu dễ bị mắc bệnh, khi mắc có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
1. Nguyên nhân bắt nguồn từ bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là một loại bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra, đường truyền bệnh do muỗi vằn hút máu từ người bệnh truyền sang người lành.
2. Một số biến chứng sốt xuất huyết nguy hiểm ở trẻ em
Trẻ em mắc sốt xuất huyết dễ gặp phải một số biến chứng nặng như:
- Mất máu
Sốt xuất huyết ở giai đoạn nặng sẽ xuất hiện triệu chứng xuất huyết như: chảy máu cam, chảy máu chân răng, chảy qua vết thương hở. Điều này do vi rút sốt xuất huyết làm tăng tính thấm thành mạch, thoát huyết tương và khó lưu thông máu. Đến một ngưỡng nhất định sẽ gây sốc, khiến máu bị đẩy ra ngoài kèm theo các biểu hiện bứt rứt, li bì, ớn lạnh, tụt huyết áp,…
- Tràn dịch màng phổi
Khi huyết tương trong cơ thể bị tràn ra sẽ xâm nhập vào đường hô hấp, dẫn đến tràn dịch màng phổi, viêm phổi hoặc phù phổi cấp. Nếu không nhanh chóng cấp cứu ngay, có thể đe dọa đến tính mạng.
- Hôn mê
Đây là biến chứng nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết. Khi cơ thể bị xuất huyết, dịch huyết tương có thể ứ đọng ở màng não qua các thành mạch. Lâu dần, gây phù não dẫn đến hôn mê.
3. Cách phòng ngừa:
Để phòng tránh bệnh và các biến chứng của bệnh ở trẻ em, người lớn cần diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt:
- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:
+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
+ Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.
+ Thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.
+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
+ Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.
- Phòng chống muỗi đốt:
+ Mặc quần áo dài tay.
+ Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.
+ Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...
+ Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Khi trẻ bị bệnh cần:
- Đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời
- Cho trẻ bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
- Trẻ phải được uống nước đầy đủ, cho trẻ uống một cách chậm rãi vì việc uống quá nhanh dễ dẫn đến nôn trớ, đầy bụng.
- Cho trẻ ăn các món ăn mềm dễ tiêu hóa và giàu dinh dưỡng như cháo, súp. Đặc biệt, không cho các bé ăn quá no.
- Tuyệt đối không sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, nhất là đối với trẻ nhỏ.