Trước đây quy định phân loại đã được Bộ Y tế nêu trong phác đồ điều trị. Trong hướng dẫn mới nhất ngày 30/7, Bộ Y tế giải thích chi tiết hơn, khoanh chặt hơn các điều kiện. Cụ thể:
– Ca bệnh nghi ngờ: Là người có ít nhất 2 trong số các biểu hiện sau đây: Sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người – mệt mỏi – ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, khứu giác; hoặc người có kết quả xét nghiệm sàng lọc dương tính với virus SARS-CoV-2 qua test nhanh.
Tại phác đồ chẩn đoán và điều trị lần 6 của Bộ Y tế, cập nhật vào ngày 14/7 vừa qua, khái niệm ca bệnh nghi ngờ mở rộng hơn. Trong đó quy định người bệnh chỉ cần có sốt và (hoặc) viêm đường hô hấp cấp tính không lý giải được nguyên nhân.
Hoặc các trường hợp có bất kỳ một triệu chứng hô hấp nào và có tiền sử đến/qua/ở/về từ vùng dịch tễ, ổ dịch; tiếp xúc với trường hợp ca bệnh nghi ngờ hoặc trường hợp F0 đã được xác định mắc Covid-19 trong 14 ngày trước khi khởi phát triệu chứng.
Nhân dân phường Chương Dương chờ lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2
– Ca bệnh F0 xác định: Là trường hợp có kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính tại các cơ sở xét nghiệm khẳng định đã được Bộ Y tế cấp phép.
Trước đây trong phác đồ lần 5 ban hành ngày 26/4, Bộ Y tế từng quy định F0 bao gồm cả trường hợp nghi ngờ và trường hợp có xét nghiệm RT-PCR dương tính. Tuy nhiên đến phác đồ lần 6 đã bỏ nội dung tiếp xúc với ca bệnh nghi ngờ.
– Trường hợp F1: Là người có tiếp xúc gần trong vòng 2m hoặc trong cùng không gian kín tại nơi lưu trú, làm việc, cùng phân xưởng, học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí… hoặc trong cùng khoang trên phương tiện vận chuyển với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0:
+ Nếu tiếp xúc với F0 có triệu chứng: Một người chỉ trở thành F1 khi tiếp xúc trong vòng 3 ngày trước khi F0 khởi phát triệu chứng cho đến khi được cách ly y tế. Tiếp xúc trước đó trên 4 ngày đều không được tính.
Thời điểm F0 khởi phát bệnh được tính là ngày bắt đầu có triệu chứng bất thường về sức khỏe theo các dấu hiệu phía trên.
+ Nếu tiếp xúc với F0 không triệu chứng, chia thành 2 trường hợp:
♦ Nếu F0 đã xác định được nguồn lây, một người chỉ trở thành F1 khi tiếp xúc với F0 trong khoảng thời gian từ khi F0 tiếp xúc lần đầu với nguồn lây đến khi được cách ly y tế.
Ví dụ: A có kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 và chuyển cách ly ngày 1/8. Qua truy vết, A tiếp xúc với nguồn lây từ ngày 25/7. Một người được xác định là F1 của A nếu tiếp xúc với A trong các ngày từ 25/7-1/8, các ngày trước đó không được tính.
♦ Nếu F0 chưa xác định được nguồn lây: F1 là người tiếp xúc với F0 trong khoảng thời gian 14 ngày trước khi F0 được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định dương tính cho đến khi F0 được cách ly y tế.
Một số nhóm người tiếp xúc gần thường gặp gồm:
– Người sống trong cùng hộ gia đình, cùng nhà, cùng phòng.
– Người trực tiếp chăm sóc, đến thăm hoặc người điều trị cùng phòng với ca bệnh xác định.
– Người cùng nhóm làm việc hoặc cùng phòng làm việc.
– Người cùng nhóm có tiếp xúc với ca bệnh: nhóm du lịch, công tác, vui chơi, buổi liên hoan, cuộc họp, lớp học, cùng nhóm sinh hoạt tôn giáo, cùng nhóm sinh hoạt các câu lạc bộ, trên cùng một phương tiện giao thông…
– Trường hợp F2: Là người tiếp xúc gần trong vòng 2m với F1 trong khoảng thời gian từ khi F1 có khả năng lây nhiễm từ ca bệnh (F0) cho đến khi F1 được cách ly y tế.
Trong phác đồ lần 6, Bộ Y tế xác định F1 trên phạm vi rộng hơn, bao gồm tất cả người tiếp xúc gần tại các cơ sở y tế, bao gồm: Trực tiếp chăm sóc người bệnh Covid-19; làm việc cùng nhân viên y tế mắc Covid-19; tới thăm người bệnh hoặc ở cùng phòng bệnh có người mắc Covid-19.
Ngoài trường hợp tiếp xúc gần với ca F0 xác định, F1 cũng được tính ngay cả khi tiếp gần dưới 2m với trường hợp nghi nhiễm; sống cùng nhà với trường hợp bệnh nghi ngờ; làm việc cùng nhóm hoặc cùng phòng với ca bệnh bệnh nghi ngờ.
Theo đánh giá, những quy định mới của Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương phân loại ca bệnh nghi ngờ, F1 trong bối cảnh hầu hết các khu cách ly đều đang quá tải như hiện nay.