Tầm quan trọng của bữa ăn sáng đối với trẻ 2 tuổi
2 tuổi là một trong những giai đoạn trẻ phát triển “thần tốc” cả về chiều cao lẫn trí não. Do đó, dinh dưỡng đúng và đủ, đặc biệt, chú trọng vào bữa ăn sáng là cực kỳ quan trọng và cần thiết. Cụ thể, bữa ăn sáng giúp trẻ:
Tăng cường hoạt động thể chất
Sau giấc ngủ dài hơn 9 tiếng, cơ thể trẻ cần được nạp năng lượng cho những hoạt động cần thiết của cơ thể giúp trẻ năng động hơn.
Tăng cường hoạt động của trí não
Tuy não bộ của trẻ chỉ chiếm 2% trọng lượng nhưng cần đến 20% năng lượng để hoạt động và phát triển. Do đó, buổi sáng nếu không được cung cấp năng lượng kịp thời, trẻ sẽ có cảm giác mệt mỏi, lờ đờ, buồn ngủ, kém trí nhớ và khó tập trung.
Hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn
70% năng lượng tập trung vào những hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, trong đó có hệ tiêu hóa. Trẻ được ăn sáng với đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng (chất bột đường, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất) sẽ giúp dạ dày hoạt động tốt, đào thải được các chất cặn bã xuống ruột non, ruột già và ra ngoài cơ thể tránh được chứng táo bón thường gặp ở trẻ.
Gợi ý các món ăn sáng cho bé 2 tuổi
Sau một đêm ngủ sâu, cơ thể bé đã sử dụng rất nhiều năng lượng dự trữ cho sự phát triển của các tế bào. Do đó, mẹ cho bé ăn một bữa sáng cân bằng dinh dưỡng sẽ bù đắp được nguồn “nguyên liệu” sử dụng trong đêm trước và có đủ năng lượng cho các hoạt động của trẻ trong ngày mới.
Dưới đây là các món ăn sáng cho bé 2 tuổi đầy đủ dưỡng chất, kích thích vị giác được các đầu bếp chuyên nghiệp của Nutrihome hướng dẫn, mẹ có thể tham khảo và chế biến bữa sáng tuyệt ngon cho bé yêu nhé!
Cháo yến mạch thịt bò
Nguyên liệu:
- 30g yến mạch (được 1 bát con)
- Thịt bò băm nhuyễn: 30g (3 thìa)
- Cà rốt băm nhuyễn: 30g (3 thìa)
- Dầu ăn dành cho trẻ: 7 – 10g
Cách chế biến:
- Nấu nước dùng vừa đủ cho 1 bát cháo
- Nước dùng sôi, cho cà rốt băm nhuyễn vào nấu khoảng 5 phút
- Cà rốt mềm, cho yến mạch và thịt bò vào nấu sôi lại. Hạ lửa nhỏ, nấu thêm từ 1 – 2 phút
- Tắt bếp, nêm nếm chút gia vị vừa miệng và cho dầu ăn vào khuấy đều. Để nguội bớt, cho trẻ ăn ngay sau đó.
Súp gà nấm
Nguyên liệu:
- Thịt ức gà: 30g
- Cà rốt (thái sợi hoặc băm nhuyễn): 30g
- Hạt bắp: 30g
- Nấm rơm: 4 cái, thái nhỏ
- Bột năng: 1 thìa cà phê
- Dầu ăn dành cho trẻ: 7 – 10g
Cách chế biến:
- Luộc chín phần ức gà, xé sợi nhỏ vừa ăn
- Nấu khoảng 1 bát nước dùng, tương đương 1 chén súp. Nước sôi, cho cà rốt, bắp, nấm vào nấu chín
- Tiếp theo, cho gà đã xé sợi vào
- Hòa bột năng với 1 chén nước lạnh khoảng 10ml khuấy tan rồi cho vào nồi súp nấu sôi lên
- Tắt bếp, nêm nếm gia vị cùng dầu ăn, khuấy đều. Để nguội bớt và cho trẻ ăn ngay sau đó.
Trứng cuộn rau
Nguyên liệu:
- Trứng: 1 cái
- Cơm nát: 1/2 bát con
- Ngò rí: 1 nhúm nhỏ
- Dầu ăn dành cho trẻ: 7 – 10g
Cách chế biến:
- Đánh tan lòng trắng và đỏ của trứng với một chút nước mắm
- Bắt chảo lên bếp, chảo nóng, cho dầu ăn (hoặc mỡ động vật) vào. Dầu sôi, cho trứng vào chiên
- Trứng chín, để ra đĩa lớn, cho cơm nát vào giữa trứng, thêm chút rau ngò băm nhuyễn vào, dùng tay cuộn thật chặt phần trứng và cơm
- Dùng dao cắt ra thành từng khoanh nhỏ và cho bé ăn ngay sau đó.
Cháo sườn
Nguyên liệu
- Gạo: 30g (nấu được 1 bát cháo to)
- Sườn non: 100g
- Nước lọc: 440 – 500ml
- Ngò rí: 1 nhúm nhỏ
- Dầu ăn dành cho trẻ: 7 – 10g
Cách chế biến:
- Vo gạo sạch, giã hoặc xay nát như tấm, ngâm nước sôi khoảng 2 giờ đồng hồ, vớt ra rổ để ráo
- Sườn non, rửa sạch, chặt miếng nhỏ, gỡ lấy thịt băm nhỏ hoặc để nguyên miếng hấp chín
- Cho gạo vào nồi cùng 2 chén nước, bắc lên bếp nấu nhừ
- Cho thịt đã nấu chín vào phần cháo đã nhừ, nấu thêm khoảng 3 phút
- Tắt bếp, nêm nếm gia vị, ngò rí cùng dầu ăn vào, khuấy đều. Để nguội bớt và cho trẻ ăn ngay sau đó.
Mì Udon trứng
Nguyên liệu:
- Mì Udon: 10 – 20g
- Nước dùng 1 chén
- Trứng gà luộc sẵn: 1 cái
- Ruốc thịt hoặc ruốc cá: 1 thìa canh
- Rong biển: 10g
- Dầu ăn dành cho trẻ 7 – 10g
Cách chế biến
- Trụng mì với nước sôi, vớt ra để ráo
- Nấu nước sôi, cho ruốc thịt hoặc ruốc cá vào để phần nước dùng có vị ngọt tự nhiên
- Tiếp theo, cho phần rong biển đã ngâm sẵn vào, nêm nước mắm vừa ăn
- Cho mì vào bát, đổ nước dùng, thêm trứng (đã bổ đôi hoặc bổ làm bốn) vào và cho trẻ dùng ngay sau đó.
Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ 2 tuổi
Để đảm bảo sự phát triển thể chất và trí não của trẻ, mẹ nên cho trẻ ăn đầy đủ 3 bữa mỗi ngày, kèm thêm 2 bữa phụ.
Trong các bữa ăn chính, cần đảm bảo cân bằng các nhóm chất dinh dưỡng: chất bột đường (phở, bún, mì, nui…), chất béo (dầu thực vật, mỡ động vật, các loại hạt…), chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, hải sản các loại…), vitamin và khoáng chất (rau xanh, trái cây…). Lưu ý: Các bữa chính phải cách bữa phụ khoảng 2 – 3 giờ để trẻ cảm nhận được cảm giác đói và hào hứng với bữa ăn tiếp theo.
Ngoài ăn, trẻ còn cần bổ sung khoảng 500 – 600ml sữa tươi hoặc sữa công thức mỗi ngày. Tuy nhiên mẹ cần nhớ, không nên cho trẻ uống sữa trước khi ăn bữa chính vì có thể khiến trẻ no bụng, không hứng thú với bữa ăn. Lâu ngày có thể gây biếng ăn và dẫn đến hậu quả nặng nề là suy dinh dưỡng, suy giảm hệ miễn dịch, dễ mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Bên cạnh đó, để kích thích trẻ 2 tuổi thèm ăn và ăn ngon miệng hơn, nhất là các bữa ăn quan trọng như bữa sáng, mẹ nên xây dựng thực đơn các món ăn sáng cho bé 2 tuổi đa dạng các loại thực phẩm, thường xuyên thay đổi cách chế biến như hầm cháo, cuộn trứng, nấu mì, súp…