Trẻ được nghỉ học ở nhà, bố mẹ làm việc online trong thời gian giãn cách, nhiều phụ huynh tập trung bồi bổ cho con những bữa ăn giàu năng lượng vì cho rằng điều này sẽ giúp con khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, đây lại là nguyên nhân tăng tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì.
Nếu thừa cân kéo dài sẽ gây rối loạn chức năng trong cơ thể diễn tiến thành bệnh. Bệnh tiến triển âm thầm trong thời gian dài khiến việc điều trị, phục hồi vô cùng khó khăn và tốn kém.
Thừa cân, béo phì cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, việc dậy thì của trẻ, đồng thời để lại nhiều nguy cơ mắc bệnh khi trưởng thành.
Dưới đây là một số nguyên tắc dinh dưỡng giúp duy trì hệ miễn dịch của trẻ khỏe mạnh.
Ăn đa dạng nhiều thực phẩm
Trong giai đoạn này trẻ cần phải ăn đa dạng các loại thực phẩm, thực phẩm nhiều màu sắc và dinh dưỡng phong phú. Cố gắng ăn đa dạng các loại thực phẩm, gia vị mỗi ngày.
Ăn đa dạng thực phẩm giúp trẻ đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho cơ thể.
Ăn đủ đạm
Một chế độ ăn đủ đạm có vai trò rất quan trọng giúp cơ thể duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh và giúp nhanh lành bệnh. Chất đạm cung cấp nguyên liệu tổng hợp các tế bào bạch cầu và kháng thể chống lại vi khuẩn và virus xâm nhập cơ thể. Chất đạm có nhiều trong các loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu/đỗ.
Bổ sung vitamin và khoáng chất
Vitamin và khoáng chất giúp nâng cao sức đề kháng và miễn dịch cho cơ thể. Vì vậy, nên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất có tác dụng tăng cường miễn dịch trong bữa ăn hàng ngày cho trẻ:
- Thực phẩm có nguồn gốc động vật, thực vật nhiều vitamin A và caroten: gan, trứng, khoai lang, bí ngô, cà rốt, đu đủ, xoài, bông cải xanh…
- Các loại rau xanh và hoa quả nhiều vitamin C như: cam, bưởi, ổi…
- Các loại thực phẩm chứa nhiều kẽm: hàu, sò, lòng đỏ trứng, đậu, đỗ, hạt hạnh nhân, thịt gà, thịt bò…
- Thực phẩm nhiều selen: trứng, nấm, tôm, đậu đỗ, ngũ cốc, thịt lợn, bò…
Tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất giúp trẻ nâng cao sức đề kháng.
Rau, quả tươi có thể ăn ngay hoặc cũng có thể làm đông lạnh để giữ được phần lớn chất dinh dưỡng và hương vị. Chế biến bằng cách nấu súp, món hầm từ rau tươi hoặc những món khác sẽ bảo quản được lâu hơn và dự trữ ăn tiếp trong vài ngày. Những món này cũng có thể đông lạnh rồi hâm nóng lại khi ăn.
Ngoài ra, cần chú ý nâng cao thể trạng bằng việc bổ sung thêm các dạng siro, hay dạng cốm đa vitamin - khoáng chất khác cho trẻ em vì trong thành phần các sản phẩm này có chứa các thành phần như vitamin A, E, C, sắt, kẽm…
Uống nhiều nước
Cho trẻ uống từng ngụm nhỏ, nhiều lần trong ngày. Nhu cầu nước hàng ngày của trẻ được tính như sau:
Trẻ có cân nặng <10kg: Cần 100ml nước/kg/ngày bao gồm cả sữa; Trẻ có cân nặng từ 10kg trở lên lượng nước uống là: 1.000ml + 50ml x kg cân nặng sau 10kg. Ví dụ trẻ có cân nặng là 14 kg (trẻ 3 tuổi) lượng nước sẽ là: 1000 ml + 50 x 4 = 1.200 ml
Trẻ có cân nặng từ 30kg trở lên uống bằng người lớn: 2.000 - 2.500ml/ngày. Lượng nước bao gồm cả sữa và nước trái cây.
Trẻ cần được uống nước đầy đủ.
Hạn chế đồ dầu mỡ, đồ chiên rán, đồ ngọt
Những thực phẩm này cung cấp nhiều năng lượng, nhưng gây đầy bụng khó tiêu, không cung cấp đủ đạm và các vitamin cần thiết cho hệ miễn dịch của cơ thể.
Hạn chế
thực phẩm chế biến sẵn
Hạn chế mua nhiều thực phẩm chế biến sẵn vì thức ăn nhanh, đồ ăn vặt và đồ tráng miệng đóng gói thường có nhiều chất béo bão hòa, đường và muối. Nếu phải mua đồ ăn chế biến sẵn, thì hãy nhìn kỹ nhãn sản phẩm và cố gắng chọn những thực phẩm chứa ít các chất này.
Cố gắng tránh không uống đồ ngọt, thay vào đó uống thật nhiều nước. Cắt thêm lát hoa quả hay rau rủ như chanh, chanh vàng, dưa chuột hoặc dâu vào nước uống là cách để tăng thêm hương vị.
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Ăn chín, uống sôi. Các loại thịt, cá, trứng phải được nấu chín hoàn toàn. Để riêng thực phẩm sống, chín. Thực phẩm tươi chưa sử dụng phải cất ngăn đá tủ lạnh. Thực phẩm đã nấu chưa ăn ngay phải cất ngăn mát tủ lạnh. Rửa tay trước khi ăn, trước và sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với bề mặt có nguy cơ.
Không cắt bữa, bỏ bữa của trẻ
Giãn cách xã hội đôi khi khiến phụ huynh và trẻ bị rối loạn về giờ giấc sinh hoạt. Bố mẹ cho con ngủ nướng rồi bỏ bữa sáng, hay ăn giữa bữa, các bữa ăn không điều độ, đúng giờ, ăn bất kì lúc nào khi đói, nhất là ăn bữa khuya… sẽ tăng nguy cơ thừa cân, béo phì ở trẻ.
Sau đó, khi thấy con tăng cân quá mức lại cắt giảm bữa ăn đột ngột, hay bắt con nhịn ăn, bỏ bữa cũng tác động xấu đến thể trạng của trẻ. Do cơ thể trẻ đang tăng trưởng và phát triển nên trong điều trị thừa cân, béo phì ở trẻ em không đặt ra vấn đề giảm cân, mà mục tiêu chính là làm giảm tốc độ tăng cân hay tránh tăng cân thêm ở trẻ và vẫn bảo đảm tăng chiều cao theo tuổi. Cần phối hợp song song việc điều chỉnh chế độ ăn thích hợp theo tuổi với tăng cường hoạt động thể lực.
Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý không bao giờ bắt trẻ nhịn ăn hay bỏ bữa và vẫn phải cung cấp đủ năng lượng, chất đạm theo tuổi cho trẻ. Đồng thời, cho trẻ ăn đủ bữa, ngày ba bữa chính và 1-2 bữa phụ, tuyệt đối không được cho trẻ thừa cân, béo phì nhịn đói, nếu trẻ đã ăn đủ bữa mà còn đói thì hãy cho bé ăn thêm các loại thức ăn ít năng lượng như củ sắn, trái cây ít ngọt. Không cho trẻ ăn sau 20 giờ.