Hoạt động góc của các bé lớp MGLA1
Bác Hồ từng nói:
“Trẻ em như búp trên cành, biết ăn biết ngủ, biết học hành là ngoan”
Trẻ mầm non học mà chơi chơi mà học và hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ . Thông qua trò chơi, giúp trẻ hình thành và phát triển cấu trúc tâm lý trong nhân cách của trẻ. Hoạt động chơi có ảnh hưởng quyết định đến sự hình thành nhân cách trẻ mẫu giáo và chơi là tiền đề cho hoạt động học tập ở lứa tuổi tiếp theo. Trẻ rất thích hoạt động góc , hoạt động góc giúp trẻ hiểu nhau hơn, chơi hợp tác với nhau, từ hoạt động góc trẻ mô phỏng lại xã hội của người lớn. Hoạt động góc giúp trẻ phát triển toàn diện trong các lĩnh vực ngôn ngữ, thẩm mỹ, thể chất, nhận thức và tình cảm xã hội. Bên cạnh đó, hoạt động này còn giúp trẻ biết chia sẻ niềm vui của mình với các bạn, với cộng đồng làm cho thế giới xung quanh bé luôn tươi đẹp và rộng lớn hơn, tuổi thơ của bé sẽ trở thành những kỷ niệm đẹp theo bé suốt cuộc đời. Từ đó, làm giàu tình cảm và trí tuệ cho bé.
Trẻ chơi chủ yếu do nhu cầu và khả năng của trẻ, nhu cầu muốn bắt chước, muốn làm người lớn, nhưng khả năng và sức lực của trẻ chưa đủ để làm người lớn do đó trẻ giải tỏa nhu cầu đó dưới hình thức là hoạt động góc. Trẻ tham gia vào các góc chơi ở lớp như: Góc bé chơi đóng vai, góc xây dựng, góc nghệ thuật, góc trải nghiệm, góc thực hành kỹ năng….. Trẻ tham gia vào xã hội người lớn theo cách riêng của mình, trẻ tưởng tượng mình là người lớn và cũng đóng một cương vị xã hội như Cô giáo, bác sỹ, chú công nhân, cô bán hàng…với vai trò đó trẻ tái tạo lại cuộc sống của người lớn một cách tổng quát trong hoàn cảnh tưởng tượng vì chơi của trẻ không phải thật mà là giả vờ, nhưng sự giả vờ ấy lại mang tính chất rất thật.
Ví dụ: Góc xây dựng: Trẻ giả vờ đóng vai chú công nhân xây dựng, những việc làm của trẻ thể hiện rất cần cù, cặm cụi làm công việc của người công nhân đồng thời trẻ biết hợp tác với nhau để hoàn thành công việc được giao.
- Góc góc phân vai: Trẻ đóng vai là những cô bán hàng.Trẻ đóng vai bác sỹ khám bệnh cho mọi người, trẻ thể hiện là một bác sỹ tốt hết lòng chăm sóc bệnh nhân của mình, hỏi han, nhắc nhở, cấp phát thuốc… nhưng hoạt động của trẻ không nhằm đến mục đích cuối cùng là chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân. Không những thế trẻ còn bắt chiếc công việc của mẹ như bế em nhặt rau, giúp mẹ phơi quần áo …
- Góc nghệ thuật tạo hình trẻ được thỏa sức sáng tạo theo trí tưởng tượng của mình, những gì mà trẻ thích và được trẻ vẽ thành bức tranh sinh động ngộ nghĩnh.thỏa mản nhu cầu của trẻ tham gia vào xã hội người lớn.
- Góc kỹ năng: Trẻ được thực hành các kỹ năng quen thuộc trong cuộc soosngs hằng ngày như: Kỹ năng sử dụng kep, cắt móng tay, rót nước, đánh răng….
- Góc học tập: Trẻ tái tạo lại những gì đã được cô dạy trẻ trên tiết học nhằm tạo cho trẻ sự ghi nhớ vững bền hơn, củng cố những kĩ năng trẻ đã được học. Tư duy ngôn ngữ cũng phát triển.
Như vậy giờ hoạt động góc được phát triển theo sự phong phú và mở rộng các mối quan hệ qua lại của trẻ với môi trường xung quanh, phản ánh sáng tạo độc đáo, sự tác động qua lại giữa trẻ với môi trường xung quanh một cách tích cực, tự lực tự nguyện và tự tin. Hoạt động góc có giá trị lớn và đã trở thành phương tiện để giáo dục trẻ phát triển tình cảm xã hội, phát triển thẩm mỹ, phát triển thể chất, phát triển ngôn ngữ, phát triển nhận thức và là phương tiện không thể thiếu nhằm phát triển toàn diện nhân cách và trí tuệ cho trẻ ở trường mầm non.
Tác giả: Nguyễn Thị Hồng - GV