Phương Pháp Giáo Dục Montessori Là Gì?
Phương Pháp Giáo Dục Montessori không còn là cái tên xa lạ đối với nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ ở độ tuổi mầm non. Thế nhưng, số người thực sự hiểu rõ về cách giáo dục sớm này. Cũng như các nguyên tắc để áp dụng nó thật sự hiệu quả lại không nhiều.
Phương pháp Montessori là phương pháp sư phạm giáo dục trẻ em được sáng lập bởi bác sĩ và nhà giáo dục người Ý Maria Montessori (1870 – 1952). Montessori chuyên áp dụng cho trẻ từ 2-6 tuổi dựa trên các bản năng và sự nhạy cảm của lứa tuổi này đối với môi trường xung quanh.
Tiến trình giáo dục của phương pháp Montessori được xây dựng xoay quanh các cảm giác và cảm quan của trẻ. Đặc biệt, phương pháp đề cao việc tôn trọng tính riêng biệt của mỗi đứa trẻ. Và quá trình học tập của mỗi trẻ là độc lập, trẻ tự mình phát triển không hề bị bị gián đoạn.
Trẻ học theo phương pháp giáo dục Montessori được thỏa sức sáng tạo và khám phá theo cách mà trẻ muốn, thông qua các các học cụ, mô hình mang tính chất khám phá, xây dựng hơn là lý thuyết. Dần dần, trẻ sẽ tự mình hình thành tư duy logic, óc sáng tạo, phát triển các giác quan và có khả năng xử lý mọi tình huống một cách linh hoạt.
1. Lĩnh Vực Áp Dụng Phương Pháp Montessori
1.1. Phương pháp Montessori trong sinh hoạt hàng ngày
- Hướng dẫn trẻ các thói quen sinh hoạt đơn giản hàng ngày. Như mang giày dép, thắt quai dép hoặc dây giày, mặc hoặc cởi áo khoác, tự đi vệ sinh…
- Hướng dẫn cách giữ bình tĩnh và làm mọi việc một cách gọn gàng.
- Quan tâm đến việc giữ gìn vệ sinh chung và giúp đỡ, tương trợ những người khác.
- Áp dụng phương pháp giáo dục sớm Montessori rèn luyện sự tự tin, tinh thần trách nhiệm và lòng tự trọng cho trẻ.
1.2 Phương pháp Montessori rèn luyện giác quan
- Hướng dẫn trẻ quan sát, so sánh sự vật hiện tượng, cách suy luận và đưa ra kết luận.
- Làm quen và học với các giáo cụ trực quan.
- Học cách nhận biết sự khác biệt giữa cảm giác và tri giác.
- Quá trình học tập dành cho trẻ đảm bảo vận dụng đầy đủ cả 5 giác quan
1.3 Phương pháp Montessori trong ngôn ngữ
- Khuyến khích và hướng dẫn trẻ giới thiệu, thể hiện bản thân và cảm xúc bằng ngôn ngữ.
- Các hoạt động ngôn ngữ cho độ tuổi từ 3-6 phải chú trọng vào phát triển khả năng đọc viết. Tạo cơ sở vững chắc cho môn học tiếng Việt và Ngữ Văn sau này.
- Có thể thiết kế các hoạt động ngôn ngữ sáng tạo như: ghép thẻ từ với tranh, ghép thẻ từ với các dụng cụ trực quan, ghép các thẻ từ thành câu hoàn chỉnh, nghe âm thanh và chọn từ đúng,….
1.4 Phương pháp Montessori trong toán học
- Dùng các học cụ trực quan để giúp trẻ hình dung được những khái niệm trừu tượng.
- Giới thiệu các con số trong phạm vi 1000 và những biểu tượng, khái niệm của các phép toán cơ bản nhất (cộng, trừ).
1.5 Phương pháp Montessori trong giáo dục văn hóa
- Cung cấp những kiến thức văn hóa, khoa học, địa lý đơn giản nhất cho trẻ. Nhờ đó, trẻ có thể ý thức được những thứ xung quanh mình.
- Dạy con bằng phương pháp Montessori dựa trên các học cụ trực quan. Dùng những ví dụ gần gũi nhất giúp trẻ dễ dàng hiểu rõ và nhận biết mọi thứ.
- Giáo viên có thể hướng dẫn chung hoặc hướng dẫn cho từng trẻ. Tuy nhiên, hãy để trẻ tự giải quyết vấn đề một mình hoặc tự trao đổi với những bạn học chung.
2. Nguyên Tắc Áp Dụng Phương Pháp Giáo Dục Montessori
Trên thực tế, việc áp dụng phương pháp Montessori không dễ như nhiều người vẫn nghĩ. Cảm quan của trẻ nhỏ tuy rất nhạy cảm, nhưng cũng rất dễ thấy chán và dễ bỏ cuộc. Do đó, cần lưu ý áp dụng 6 nguyên tắc sau đây để đạt được hiệu quả giáo dục như mong đợi.
Nguyên tắc 1: Tôn trọng – không áp đặt trẻ
Đề cao việc luôn tôn trọng sự tự do của trẻ, để trẻ có không gian khám phá, học hỏi và đúc kết cho riêng mình. Cha mẹ và giáo viên không nên áp đặt suy nghĩ của bản thân lên trẻ. Khi bị áp đặt, trẻ sẽ dần dần trở nên e ngại, lo sợ và không còn dám làm theo cách của riêng mình. Dần mất năng khiếu vốn có và khả năng dám làm của trẻ sẽ bị mài mòn đi mất.
Nguyên tắc 2: Học đi đôi với hành
Khi chỉ được học lý thuyết, trẻ sẽ nhanh chóng quên đi mọi thứ. Do đó, chương trình Montessori cần tạo những hoạt động thực tiễn để tạo cơ hội cho trẻ được quan sát mọi thứ trong thực tế. Thiết kế các hoạt động thực tiễn như rót nước, tự cởi giày dép, tự dọn dẹp lớp học, tự sắp xếp tủ cá nhân của mình gọn gàng,…
Nguyên tắc 3: Môi trường Montessori thân thiện, vô thưởng vô phạt
Tạo môi trường học tập, sinh sống thân thiện và tự nhiên nhất có thể. Mỗi khi trẻ mắc sai lầm, không phê phán hay phạt trẻ như cách giáo dục truyền thống. Cần hướng dẫn trẻ cách thực hành đúng. Nhờ đó, trẻ có thể quan sát và tự rút ra kinh nghiệm cho mình để làm điều đúng đắn về sau.
Bên cạnh đó, trong quá trình áp dụng phương pháp giáo dục Montessori, cần luôn khuyến khích động viên và tán dương trẻ. Đặc biệt mỗi khi trẻ hoàn thành xuất sắc công việc của mình.
Nguyên tắc 4: Không gián đoạn sự tập trung của trẻ
Khi trẻ yêu thích một hoạt động nào đó hoặc khám phá một món đồ chơi, hoặc yêu thích nghiền ngẫm một cuốn sách Montessori nào đó, hãy để trẻ yên tĩnh một mình. Trẻ cần sự tập trung để tự khám phá cách chơi và tự giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình “làm việc”. Chỉ can thiệp và đưa ra các hướng dẫn khi trẻ yêu cầu được giúp đỡ.
Nguyên tắc 5: Truyền cảm hứng tự nhiên cho trẻ
Tạo cơ hội cho trẻ được khám phá thiên nhiên bên ngoài thông qua các hoạt động ngoài trời. Trẻ sẽ học mọi thứ một cách tự nhiên nhất, không cảm thấy ngột ngạt hoặc gò bó trong không gian chật hẹp của lớp học. Nhiều trường Montessori vì vậy thường tổ chức các lớp học dã ngoại, để trẻ hòa mình cùng thiên nhiên. Ba mẹ khi ở nhà cũng cần chịu khó đưa con đi dạo, đi tham quan đây đó để trẻ được gần gũi hơn với thiên nhiên.
Nguyên tắc 6: Giáo viên, cha mẹ chỉ là người hỗ trợ
Phương pháp Montessori đề cao sự phát triển tự nhiên, khai thác tối đa tiềm năng của trẻ nhưng cũng không ép trẻ tuân theo khuôn mẫu sẵn có nào. Tuy nhiên vẫn cần trong khuôn khổ cho phép, để trẻ luôn nhận được định hướng đúng đắn.
Giáo viên hoặc cha mẹ theo giáo trình Montessori không phải là người dạy trẻ, mà là người hỗ trợ cho trẻ phát triển, chỉ khuyến khích khả năng tự học của trẻ, không nên áp đặt suy nghĩ của mình lên trẻ. Tránh tương tác với trẻ theo hướng phán xét, đúng hoặc sai.
3. Ưu Điểm của Phương Pháp Montessori
3.1 Phương pháp Montessori phát triển trẻ theo độ tuổi phù hợp
Giai đoạn phát triển 0-3 tuổi và 3-5 tuổi: Bé sẽ được rèn luyện các kỹ năng khác nhau. Tùy theo độ tuổi và khả năng riêng. Theo sát phương pháp dạy Montessori, các em nhỏ sẽ được chú tâm phát triển hơn về khả năng ngôn ngữ, cơ thể và nhận thức.
Giai đoạn tuổi lên 4: Bé phát triển năng khiếu thông qua hoạt động vẽ tranh, làm đồ gốm, đồ thủ công, nấu ăn, xé dán giấy,…
Giai đoạn tuổi lên 5: Bé sẽ phát triển khả năng giao tiếp thông qua hoạt động ngoài trời cùng cộng đồng, dã ngoại.
3.2 Phương pháp dạy học Montessori khuyến khích chơi đùa, hợp tác
Hoạt động vui chơi của bé tại các lớp học Montessori sẽ không phụ thuộc nhiều vào sự hướng dẫn của giáo viên. Thay vào đó trẻ theo học phương pháp Montessori sẽ sẽ quyết định trình tự diễn ra của hoạt động. Phương pháp giáo dục khuyến khích trẻ tự quản giúp các con hợp tác với nhau. Việc chia sẻ thông tin kiến thức với nhau giúp các bé tập xây dựng mối quan hệ cộng đồng lành mạnh.
Vừa học hiểu về trình tự hình thành tổ chức, vừa thường xuyên giao tiếp, sinh hoạt chung với các bạn cùng trang lứa. Trẻ mầm non từ đó được tạo điều kiện phát triển và nâng cao khả năng ứng xử với mọi người xung quanh.
3.3 Chương trình học Montessori lấy trẻ làm trung tâm
Mỗi bé đều có sở thích, tính cách và khả năng khác nhau. Trên tinh thần luôn đề cao tính riêng biệt của mỗi em nhỏ, các bài học trong phương pháp giáo dục Montessori cũng sẽ có thiết kế khác nhau, sử dụng các công cụ, học cụ, đồ chơi Montessori riêng, kích thích các khía cạnh và cảm quan riêng biệt, với mục đích tạo điều kiện phát triển phù hợp nhất cho từng em.
Bé sẽ là trung tâm của buổi học, với một chương trình học phù hợp, Thay vì học cùng một nội dung đại trà với các bạn như chương trình thông thường. Những năng khiếu bẩm sinh của trẻ nhỏ sẽ được bồi dưỡng phát triển nhanh hơn so với bạn đồng trang lứa.
3.4 Phương pháp Montessori rèn luyện trẻ tính tự giác và kỷ luật
Phương pháp Montessori là phương pháp với phương châm giảng dạy phát triển toàn diện. Bé sẽ được tự chọn thời gian hoạt động, sau khi được các cô hướng dẫn. Từ đó hình thành và phát triển khả năng quản lý thời gian cho trẻ từ rất sớm.
Thông qua những quy tắc nhỏ về thời gian trong sinh hoạt, vui chơi dần dần tính kỷ luật bản thân sẽ hình thành. Thói quen kỷ luật sẽ được hình thành một cách tự nhiên, giúp bé có khả năng kiểm soát, tự giác và chủ động trong sinh hoạt hằng ngày cũng như các hoạt động về sau.
3.5 Giáo dục trẻ biết ngăn nắp trong sinh hoạt
Được trau dồi trong môi trường ngăn nắp, có trật tự sẽ giúp trẻ phát triển khả năng sắp xếp và hệ thống mọi thứ dễ dàng hơn. Khu vực học tập và vui chơi được xếp gọn theo màu sắc, kích thước, chức năng dần được bé ghi nhớ và hình thành thói quen tốt. Không chỉ trong khuôn khổ chương trình học Montessori ở trường, ở nhà bé cũng sẽ nhận biết được sự cần thiết trong thói quen ngăn nắp.
3.6 Tạo cơ hội trải nghiệm môi trường xung quanh cho trẻ
Không chỉ tự chủ trong những hoạt động tại lớp, các bé còn được khám phá thế giới bên ngoài. Lúc này, các em sẽ là nhân vật chính trong quá trình học tập và trải nghiệm của mình. Giáo viên với vai trò hướng dẫn sẽ không can thiệp để bé tự phát triển theo từng tốc độ học hỏi và khả năng khám phá riêng
3.7 Khơi dậy cảm hứng sáng tạo
Trong quá trình tự tìm tòi, học hỏi theo cách riêng của mình. Sự sáng tạo ở mỗi em sẽ được khơi gợi theo đúng tính cách sẵn có. Thông qua việc hướng dẫn của các cô giáo, sinh hoạt chung với các bạn, các bé sẽ học hỏi rất nhiều về thế giới xung quanh. Từ đó mở rộng suy nghĩ, hiểu thêm về thế giới và tăng khả năng sáng tạo.
3.8 Khác Biệt giữa Phương Pháp Montessori và Phương Pháp Giáo Dục Truyền Thống
Phương pháp Montessori là phương pháp sư phạm hiện đại. Tất nhiên sẽ có rất nhiều điểm khác biệt với phương pháp giáo dục truyền thống. Dưới đây là những điểm khác biệt nhất giữa 2 phương pháp này:
Phương pháp Montessori
|
Phương pháp truyền thống
|
Phát triển nhận thức tự nhiên, không quá gò bó hay áp đặt theo khuôn mẫu
|
Tập trung chủ yếu vào sự phát triển xã hội và giảng dạy theo các quy chuẩn chung
|
Giáo viên giảng dạy từng học sinh một
|
Giáo viên giảng dạy cùng lúc cho tất cả các thành viên trong nhóm
|
Phân chia theo những nhóm tuổi khác nhau
|
Các học sinh trong lớp học chung một độ tuổi nhất định
|
Thiết kế các bài tập phù hợp với từng nhóm học sinh và khích lệ trẻ làm mọi việc tùy theo khả năng và sở thích của chính mình
|
Giảng dạy theo giáo án và khung chương trình đã định sẵn
|
Khuyến khích rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, học cách tương trợ lẫn nhau khi giải quyết các bài tập
|
Chỉ truyền đạt kiến thức, không chú trọng thực hiện các hoạt động, bài tập nhóm thêm để khuyến khích các trẻ làm việc cùng nhau
|
Khuyến khích làm mọi việc một cách độc lập, sáng tạo. Giáo viên đóng vai trò là một người hướng dẫn và không can thiệp quá nhiều vào những hướng giải quyết của trẻ
|
Trẻ tham gia vào các hoạt động một cách thụ động, theo khuôn mẫu và không được vượt quá quy chuẩn do giáo viên đã đề ra
|
Tạo môi trường giúp trẻ tự rèn luyện được tính kỷ luật, tự chịu trách nhiệm về việc làm của mình
|
Giáo viên áp dụng những hình thức kỷ luật khác nhau mỗi khi các trẻ không hoàn thành nhiệm vụ hoặc làm sai điều gì đó.
|
Hiện nay tại Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện rất nhiều trường mầm non dạy theo phương pháp Montessori. Và Worldkids – WIS cũng là một trong số đó. Với phương pháp giảng dạy này, Worldkids – WIS hi vọng có thể giúp phụ huynh khai thác sớm nhất tiềm năng của trẻ. Qua đó chú trọng và giúp trẻ phát triển thật sự vượt trội.
Hy vọng qua bài viết này, các bậc phụ huynh đã phần nào hiểu rõ hơn về lợi ích của phương pháp Montessori. Ưu điểm, nhược điểm, lĩnh vực áp dụng, các nguyên tắc cũng như những điểm nổi bật riêng. Để thực hiện phương pháp này thành công, cha mẹ cần nhẫn nại và dành nhiều thời gian để nghiên cứu, xây dựng nhiều hoạt động khác nhau. Từ đó, sẽ nhận thấy được những sở thích đặc biệt và những khả năng sẵn có của con mình.
Tác giả: Nguyễn Thị Hương - PHT – Sưu tầm