Các bậc phụ huynh luôn dạy con thật thà, chấp nhận những lỗi lầm mình gây ra và thẳng thắn thừa nhận chúng. Tuy nhiên, chính họ lại vô tình nói dối người khác trước mặt con.
Trẻ con chứng kiến hành động này của bố mẹ, chúng sẽ nghĩ rằng, việc nói dối là điều bình thường. Họ sẽ trở thành “tấm gương” nói dối cho trẻ học tập.
Trẻ không quan tâm mục đích nói dối là tốt hay xấu, chúng chỉ hiểu, nếu những người lớn thường dạy chúng về đạo đức mà có thể nói dối, thì chúng cũng có thể. Bên cạnh đó, bố mẹ sẽ đánh mất lòng tin nơi con cái.
Bắt con tự ngủ
Cha mẹ tin rằng việc ngủ chung sẽ khiến con cái ỷ lại, mất đi tính tự lập. Nhưng con sẽ thắc mắc: "Tại sao người lớn lại ngủ chung phòng mà trẻ con lại phải ngủ một mình?".
Thực tế, việc ôm và ru con ngủ sẽ tạo ra mối liên kết tình cảm giữa mẹ và con, cải thiện sức khỏe tinh thần cho trẻ.
Ép con ăn uống lành mạnh
Ăn uống lành mạnh là điều quan trọng, bảo vệ sức khỏe nhưng tất cả chúng ta vẫn có sở thích riêng của mình, thích ăn một món nào đó.
Bạn thường lập chế độ ăn uống cho con, cấm con ăn những món nhiều dầu mỡ, nhiều đường như: kem, bánh kẹo, đồ ăn nhanh nhưng đôi khi bạn cũng ăn những thực phẩm đó.
Trẻ sẽ thấy bất công và không muốn làm theo những gì bố mẹ dạy mà có xu hướng thích làm ngược lại.
Dùng điện thoại liên tục
Trung bình, mỗi người dành hơn 3 giờ mỗi ngày để sử dụng điện thoại di động, chưa kể làm việc trên máy tính xách tay, máy tính bảng và xem TV. Trong khi đó, bạn lại dạy con "không nên sử dụng điện thoại quá nhiều".
Mặc quần áo cho con quá mức cần thiết
Một số cha mẹ cho trẻ mặc đồ quá mức cần thiết, bất chấp việc đứa trẻ có cảm thấy thoải mái hay không.
Họ thường ép con mặc theo cảm quan của mình về thời tiết. Trong khi đó, họ cho phép bản thân ăn mặc thoải mái, vì họ luôn nghĩ rằng bố mẹ có sức đề kháng tốt hơn con. Ví dụ: Trời hơi se lạnh, họ vẫn bắt trẻ mặc áo phao dày còn mình chỉ mặc chiếc áo len mỏng manh.
Hành vi này có thể làm đứa trẻ nảy sinh tính độc đoán, thích người khác phải thực hiện theo ý mình.
Dạy con biết chia sẻ với người khác nhưng bố mẹ không chia sẻ với con
Các bố mẹ thường dạy con biết chia sẻ mọi thứ với mình, với người khác nhưng họ không sẵn sàng chia sẻ với con.
Lâu dần, đứa trẻ cho rằng mình không được tôn trọng, trở nên tự ti, không dám mở lòng hoặc rất ngỗ nghịch, nảy sinh lòng ganh ghét. Bạn hãy nhớ, trẻ em là những cá thể riêng biệt có nhu cầu và ý kiến riêng. Vì vậy việc thiết lập ranh giới và lắng nghe ý kiến của chúng là rất quan trọng.
Trước khi dạy con biết chia sẻ với mình, hãy chia sẻ mọi vấn đề trong cuộc sống cùng con. Cùng con học, cùng con vui chơi, chia sẻ món đồ mình yêu thích với con.
Chỉ biết đưa ra mệnh lệnh với con
Bố mẹ muốn con thực hiện mệnh lệnh của mình ngay lập tức, bất kể đứa trẻ đang làm gì. Đôi khi họ bỏ qua ý kiến của con, khiến chúng nghĩ rằng, bố mẹ độc đoán, không tôn trọng chúng.
Khi lớn lên, đứa trẻ cũng bị "nhiễm" những thói xấu này của bố mẹ. Khi cần sự giúp đỡ của mọi người, chúng sẽ thích đưa ra mệnh lệnh thay vì nhờ vả chân thành.
Không quan tâm tới cảm xúc của con
Phần lớn, bố mẹ thường không quan tâm đến cảm xúc của con, xem chúng thích hay ghét cái gì nhưng hay phàn nàn rằng, con không chịu hiểu cho mình.
Ví dụ: Bạn luôn lấy lý do "bận" để từ chối chơi cùng con. Khi thấy con la hét, gào khóc, bạn sẵn sàng mắng mỏ, dọa nạt chúng. Nhưng bạn có hiểu, con đang thèm được chơi cùng mẹ.
Đôi khi, người lớn còn phớt lờ cảm xúc của trẻ. Nếu con gây ra lỗi lầm, thay vì lắng nghe nguồn cơn, tìm cách giáo dục con, họ sẵn sàng la mắng trẻ.
Khi bị ai đó mắng mỏ, bạn cảm thấy tổn thương trong lòng, với con cũng vậy. Cha mẹ quát mắng con thường xuyên sẽ gây ra những tổn thương cực nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Cụ thể là các bé có thể trở nên sợ sệt, ám ảnh và khủng hoảng khi bố mẹ lạm dụng lời quát mắng quá mức…
Thúc giục con học tập
Con cái thành công trong cuộc sống là điều bất cứ bố mẹ nào cũng mong muốn. Vì thế, họ thúc giục, bắt con học thật nhiều, khám phá những điều mới mẻ, giành điểm số cao...
Áp lực từ bố mẹ đè xuống, khiến đứa trẻ chán nản, không có động lực, ghét học. Khi đó, bố mẹ lại đưa ra lý do tại sao chúng cần kiến thức này trong cuộc sống. Thế nhưng, chính bố mẹ thường ít tiếp thu hay bồi dưỡng những kiến thức mới cho bản thân.
Khuyên con tự tin nhưng bố mẹ cũng hay ngại ngùng, sợ đám đông dị nghị
Cha mẹ thường khuyến khích con làm mọi thứ, để giúp chúng tự tin hơn. Tuy nhiên, bố mẹ cũng có lúc thiếu tự tin khi ra ngoài. Ví dụ: Bạn muốn thay đổi phong cách ăn mặc, phá cách hơn một chút nhưng lại sợ mọi người xì xào.
Trẻ thấy bố mẹ như vậy sẽ không dám trải nghiệm bất cứ thử tthách nào hay làm điều mới mẻ. Lâu dần, chúng càng nhút nhát, kém cỏi.