Năm ngoái, một đứa trẻ 4 tuổi, ở Somerset, New Jersey, Mỹ đã gọi cảnh sát để cứu sống mẹ khi thấy bà không có phản ứng. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc biết cách đối phó với trường hợp khẩn cấp, cũng như kỹ năng sống với trẻ nhỏ.
Bài viết dưới đây sẽ đề cập đến những kỹ năng sinh tồn quan trọng cơ bản một đứa trẻ nên được trang bị.
Tự cứu mình khỏi chết đuối
Khi ở trong nước và cảm thấy mất kiểm soát, bản năng tự nhiên của chúng ta là vùng vẫy do hoảng sợ. Nhưng bạn nên dạy con chiến đấu với chính nỗi sợ của mình chứ không phải với nước. Điều này có thể cứu mạng đứa trẻ.
Hãy dặn con giữ thẳng lưng, tạo thành một đường thẳng với chân và khua nhẹ để nổi lên mặt nước.
Đốt lửa
Trước tiên, hãy chuẩn bị một xô nước để sau khi không cần đến lửa nữa thì dập tắt. Sau đó, hãy hướng dẫn con lượm nhặt các miếng gỗ, cành củi khô có chiều dài từ 8- 20cm, xếp củi theo cấu trúc khung chữ A.
Cuối cùng, bạn cần dạy con cách đánh diêm. Nó là kỹ năng sinh tồn quan trọng nếu chẳng may con bị lạc ở một nơi hoang dã.
Phản ứng với trường hợp khẩn cấp
Dĩ nhiên, với các trường hợp khẩn cấp nghiêm trọng, con sẽ khó lòng biết phản ứng thế nào, nhưng sẽ rất có lợi nếu trẻ đối phó được với các tình huống đơn giản hơn như chảy máu, biết "stop, drop and roll" là gì, biết dùng đá chườm khi bị thương và cuối cùng là biết khi nào cần gọi cảnh sát.
"Stop, drop and roll" là kỹ thuật khá đơn giản. Khi có cháy, trẻ phải dừng lại mọi việc đang làm (stop), nằm xuống sàn (drop), che mặt lại và lăn đi (roll). Khi xử lý vết thương chảy máu, hãy dạy con dùng lòng bàn tay đè lên vết thương trong khoảng 5 phút.
Muốn giảm đau, cha mẹ cần dặn con không được chườm đá trực tiếp lên da mà quấn chúng vào một chiếc khăn, không để quá 15-20 phút.
Tích trữ nước mưa
Bạn có thể dễ dàng tự tạo hệ thống tích nước mưa và cho con cùng tham gia. Cách đơn giản nhất là lắp đặt một thùng đựng nước mưa ở dưới đường ống đã kết nối với mái nhà. Đừng quên đậy nắp để muỗi không sinh sôi.
Giữ an toàn nếu bị lạc
Một trong những điều đáng sợ nhất đối với một đứa con và cả cha mẹ là trẻ bị lạc. Gia đình nào cũng có thể gặp phải tình huống như vậy, nên bạn cần chuẩn bị. Có hai điều đầu tiên nên dạy con là nhớ số điện thoại của bố mẹ và đứng yên một chỗ dù bị lạc trong rừng hay nơi đông đúc.
Trong tình huống này, nói chuyện với người lạ để tìm kiếm sự giúp đỡ thực sự có ích. Tuy nhiên, không phải gặp ai cũng nhờ, đối tượng tốt nhất nên tìm đến là các bà mẹ đang có con nhỏ.
Khi cắm trại trong rừng, trẻ có thể bị lạc vì chạy linh tinh và chơi đùa. Nếu không có nước và thức ăn, nên dặn con tìm nước trước, vì nếu chỉ được chọn một trong hai, nước giúp ta tồn tại lâu hơn. Bố mẹ cần lưu ý con không nên đến gần hồ, sông hoặc vùng nước khác mà nên lấy nước uống từ sương trên lá cây.
Tiếp theo, cần dặn con không ngủ dưới đất. Mặt đất lạnh và có thể hút toàn bộ nhiệt từ cơ thể. Bạn nên chỉ cho con cách làm một "chiếc giường" từ lá và cành cây quanh mình. Sau đó, hãy dùng những thứ tương tự để làm một "tấm chăn".
Khi bị lạc trong rừng, không nên ăn thứ gì, phải tránh xa cây cỏ, quả mọng, nấm vì chúng có thể gây độc. Tốt nhất, lúc nào bố mẹ cũng dặn con để một số thanh thực phẩm trong túi, đặc biệt khi con đến địa điểm có nguy cơ bị lạc cao.
Giữ mình an toàn trước động vật hoang dã
Điều này cực kỳ quan trọng vì quyết định sự sống và cái chết. Tùy thuộc vào nơi bạn sống và những loài động vật xung quanh, hãy dạy cho con kỹ năng đối phó với từng tình huống cơ bản.
Nếu nơi con đứng có rắn, hãy dạy con không đến gần hay cố xử lý chúng, không đưa tay, chân vào nơi không thể nhìn thấy và luôn đi giày, dép.
Hầu hết mọi người không thực sự coi nai sừng tấm là nguy hiểm, nhưng thực tế, chúng có thể đáng sợ hơn gấu. Chúng không hung dữ nhưng có thể nổi điên nếu cảm thấy bị quấy rồi. Vì vậy, hãy dặn con đừng trêu đùa hoặc lại gần chúng. Ngoài ra, con phải biết, khi con nai tấm sừng lao tới, tốt nhất nên đứng sau thứ gì đó chắc chắn như một tòa nhà hoặc một cái cây.
Gặp một con gấu, nếu con đang đi bộ đường dài thì nên đi theo nhóm. Không được chạy, hãy giữ bình tĩnh và làm mình trông thật to lớn bằng cách giơ tay, áo khoác lên hoặc đứng trên một tảng đá. Cần dặn con, khi con gấu di chuyển khỏi nơi trẻ đứng, cần lập tức đi ngay.
Giữ bình tĩnh và lạc quan
Hoảng sợ thường dẫn đến kết quả tiêu cực nên cần dạy con bình tĩnh đối mặt với một tình huống khó khăn. Một trong những cách tốt nhất là sử dụng kỹ thuật "thở sâu", hít thật sâu và thở ra chậm. Tập luyện kỹ thuật này bằng cách cho trẻ thổi bong bóng. Nó buộc con phải hít thở sâu, dài và cẩn thận để tạo ra nhiều bong bóng nhất có thể.
Chọn quần áo phù hợp
Trước khi tham gia cuộc đi bộ đường dài, hãy yêu cầu con tự chọn quần áo cho mình. Sau đó, bố mẹ có thể đánh giá những gì con chọn, hỏi tại sao lại quyết định như vậy và góp ý, sửa cho con nếu cần thiết.
Ngoài ra, tùy từng trường hợp, đừng quên dạy con mang theo kem chống nắng hoặc kem chống muỗi. Quen với việc này khi còn nhỏ sẽ giúp con hình thành thói quen tốt.
Học kỹ năng tự vệ
Ngày nay, trong thế giới hỗn loạn chúng ta đang sống, an toàn là một trong những ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, để con an toàn và tự tin hơn, nên cho con tham gia các lớp học tự vệ cơ bản. Đồng thời, điều này cũng sẽ cho phép con phát triển kỹ năng xã hội của mình.
Ra hiệu cầu cứu
Luôn đeo còi vào cổ trẻ khi con vào rừng, cắm trại. Đây là một trong những cách tốt nhất giúp trẻ ra hiệu để được giúp đỡ. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải dạy con đấy không phải là đồ chơi, không nên sử dụng khi không có lý do chính đáng.
La hét để được giúp đỡ sẽ khiến trẻ nhanh kiệt sức nhưng một tiếng còi thì không tốn sức. Dạy con thổi ba lần, chờ một chút lại thổi ba lần nữa. Trẻ nên lặp lại cách này cho đến khi được tìm thấy.
Khoảng thời gian chờ đợi rất quan trọng vì nếu con hú còi liên tục, sẽ không ai có thể nghe thấy tiếng người gọi, tìm kiếm mình.