Nhiều mẹ tỏ ra buồn phiền vì bé đột nhiên có một số thói quen xấu mà họ cho là không bình thường. Có bé có sở thích là vẽ nguệch ngoạc trên tường, có bé thích xé giấy vệ sinh, những đồ vật đặt trong ngăn kéo cũng được bé xáo trộn và bới móc mọi ngóc ngách trong nhà nên khiến các mẹ vô cùng mệt mỏi.
Thực tế, đối với những đứa trẻ dưới 3 tuổi, 4 thói quen xấu của bé dưới đây chính là dấu hiệu chứng tỏ bộ não của bé đang phát triển. Mẹ nên nắm bắt giai đoạn quan trọng để bồi dưỡng và giúp bé phát triển hoàn thiện.
1. Bé cho mọi thứ vào miệng
Giai đoạn này bắt đầu khi trẻ 7 tháng tuổi, bé sẽ không ngừng mút tay và gặm nhấm rất vui vẻ. Bé sẽ phấn khích đến mức chìa tay của bé cho mẹ "thưởng thức: Đây chính là giai đoạn bé muốn cho mọi thứ vào miệng.
Mút tay hay là cho mọi thứ vào miệng là cách để trẻ nhận biết về thế giới (Ảnh minh họa).
Trước giai đoạn trẻ nhỏ chưa biết nói, chưa hình thành khả năng nhận biết chính xác, bé sẽ luôn cảm thấy tò mò về thế giới xung quanh mình. Thời điểm này, miệng và tay là những bộ phận phát triển nhanh nhất trên cơ thể của bé. Bé sẽ có hành động là mút tay để nhận biết về thế giới xung quanh.
Bên cạnh đó, bé sẽ dùng miệng để cảm nhận trạng thái của đồ vật. Các mẹ sẽ thường thấy hành động của bé là nắm mọi thứ và cho vào miệng, nhưng bé sẽ không nuốt vội mà cứ ngậm trong miệng thế thôi.
Giai đoạn bé mút tay cần sự phối hợp giữa bộ não, ngón tay và mắt, điều này sẽ giúp trí não của bé phát triển, đồng thời phát triển khả năng nhận biết ở trẻ nhỏ.
Đôi tay non nớt của bé sẽ phát triển thông qua những động tác tinh vi, chẳng hạn như vặn xoắn hay xé rách giấy
2. Bé xé rách mọi thứ
Giai đoạn này bắt đầu khi trẻ được 1 tuổi, bé sẽ cảm thấy phấn khích đối với những loại giấy trong gia đình, đặc biệt là giấy dễ xé rách như giấy vệ sinh. Khi thấy bé xé vụn giấy vệ sinh và vất mọi nơi trong nhà, mẹ không nên nóng giận đánh mắng bé.
Đôi tay non nớt của bé sẽ phát triển thông qua những động tác tinh vi, chẳng hạn như vặn xoắn hay xé rách giấy. Hành động này giúp bé kiểm soát, phối hợp các ngón tay nhuần nhuyễn, đồng thời đẩy nhanh quá trình phát triển trí não. Các mẹ có thể chuẩn bị một số loại giấy và hướng dẫn bé xé rách để rèn luyện đôi tay khéo léo.
3. Bé thích vẽ nguệch ngoạc
Giai đoạn này bắt đầu khi trẻ được 2 tuổi và đương nhiên khiến nhiều mẹ cảm thấy vô cùng bực mình. Bởi khi mẹ sơ suất không để mắt đến bé, chỉ cần bé cầm bút trong tay kèm theo trí tưởng tượng bay bổng thì bức tường trắng tinh có thể bị tô vẽ nguệch ngoạc bất cứ lúc nào.
Trong quá trình vẽ nguệch ngoạc, bộ não của bé đang ở trạng thái nhận thức, trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo đang phát huy ở mức tối đa. Bé 2 tuổi chủ yếu phát triển bán cầu não phải, vẽ nguệch ngoạc sẽ giúp thúc đẩy tế bào não phải phân chia và gia tăng trí tuệ. Các mẹ có thể chuẩn bị những loại giấy chuyên dụng để bé thỏa sức tô vẽ và phát huy trí tưởng tượng của mình.
4. Bé thích bắt chước người lớn
Khi trí tuệ của bé phát huy đến mức cao nhất, bé sẽ bắt đầu mô phỏng hành động của những người xung quanh. Cho dù là ngôn ngữ hay giọng nói, bé sẽ bắt chước mọi thứ giống nhau như đúc.
Các mẹ có thể nhận ra hành vi bắt chước của bé không phân tốt hay xấu, không phân trường hợp cụ thể. Chỉ cần bé cảm thấy thích thú thì nhất định sẽ bắt chước hành vi của người lớn.
Quá trình bắt chước người lớn không những giúp bé thỏa mãn tâm lý, tăng cường khả năng quan sát, mà còn rèn luyện trí nhớ, tăng khả năng phối hợp. Mỗi hành vi bắt chước sẽ được đảm nhận bởi một khu vực trên vỏ não và điều này sẽ giúp ích trong việc phát triển trí tuệ của bé.
Các mẹ cần lưu ý, nhằm tránh tạo thói quen xấu cho bé, mẹ cần nắm bắt giai đoạn quan trọng từ 1 - 3 tuổi là thời khắc bé phát triển trí tuệ, mẹ nên chọn một số trò chơi bổ ích và sách tranh để bé tô vẽ thỏa mãn khả năng sáng tạo.