1. So bì và đua đòi
Đỗ Nhật Nam là Đỗ Nhật Nam. Con bạn là con bạn. Mỗi anh một tính, mỗi anh một sở trường và mầm giác ngộ khác nhau. Dùng một pháp ở áp dụng cho vạn người thật là một trò chơi u mê.
Vả lại, trăm hoa trăm sắc, có loài hoa nở trên đồng xanh, có loài hoa khoe sắc trên cành. Mỗi loài hoa, mỗi ước mơ.
Bài học là: Phải áp dụng phương pháp thích ứng với con mình. Đặt ra mục tiêu hợp với con mình ở thời điểm hiện tại, không so bì cũng không tự hạ thấp con.
Tuy nhiên, có chân lý này thì ai cũng phải tuân theo:
Tạo điều kiện và hướng dẫn cho con tự làm, tự tư duy, tự giáo dục, tự tìm hiểu. Chỉ có TỰ như vậy mới đích thực là giáo dục. Bà Montessori nói: Một người giáo viên thành công là khi vắng ông ta, học trò vẫn tự giác học và nghiên cứu như thể ông ta có mặt. Khi ông ta có mặt, học trò vẫn làm như thể ông ta đang vắng mặt.
Đây là chân lý giáo dục đúng muôn đời.
|
|
2. Việc mình là kiếm tiền, việc con là học
Quan niệm này rất sai. Học là việc của tất cả chúng ta. Cha mẹ và con cái, suy cho cùng chỉ là những học trò trước ông thầy lớn có tên là Life.
Bạn chỉ có thể là bạn đồng hành, cùng chia sẻ khó khăn với con để cùng nhau vượt qua chông gai trên con đường tiến đến tầm cao của trí tuệ và đức hạnh. Nếu bạn lơ là, con bạn có thể vượt lên trên và bỏ xa bạn phía sau. Lúc đó, bạn mang danh là cha mẹ nhưng đạo đức và trí tuệ hoàn toàn chỉ có thể là một học trò của con bạn. Hoặc một kịch bản tồi tệ hơn: Cả bạn và con bạn đều gục ngã trên sa mạc cuộc đời.
Nhu cầu sinh hoạt và học tập của con cái thực ra không cao đến mức cần cha mẹ phải mải miết đi làm như vậy. Phần lớn chúng ta đi làm để thỏa mãn tính ham sở hữu và tỏ rõ uy quyền của bản thân nhưng lại tự dối lòng mình là vì con.
Nếu bạn để lại quá nhiều, con bạn sẽ không có cơ hội được làm người. Một kẻ chỉ được làm người đích thực và đi vào lịch sử khi anh ta tự làm ra sự nghiệp bằng trí năng và đạo đức, bản lĩnh của mình.
Điều đó giải thích tại sao các tỷ phú thế giới đều không để lại nhiều tài sản cho con cái. Cơ bản tiền của họ để lại sau khi chết đều cho vào công quỹ từ thiện.
Thế nào là vì con đích thực? Là ngồi bên con, lắng nghe con, chơi với con, học cùng con, giúp con trưởng thành. Kiếm tiền làm giàu chưa hẳn là vì con. Hãy nghiêm khắc nhìn lại chính mình và tự trả lời câu hỏi này.
3. Thế nào là rèn luyện cho con?
Ở bên con, hy sinh thời gian cho con không phải là làm thay con mà là quan sát và điều chỉnh. Muốn làm được như vậy, bạn cần:
- Vui vẻ chấp nhận lỗi sai của con và giúp con vượt qua khủng hoảng thất bại.
- Đặt ngưỡng phù hợp với con.
- Vui vẻ, hài hước, nhân từ.
- Cứng rắn, bình tĩnh.
Tóm lại, bản thân bạn phải học và rèn chính mình song song với việc rèn cho con.
Khi con gặp vấn đề dù lớn hay nhỏ, bạn phải là chỗ dựa, một vòng tay yên ổn. Bạn phải là người (cùng con) đưa ra giải pháp sáng suốt.
Con bạn không cần một người mẹ rên la khóc lóc, kêu gào đấm ngực bùm bụp hay một người cha gầm gừ đe dọa. Con bạn cũng không cần những lời mỉa mai cay độc, so bì.
4. Vung tiền mua kiến thức
Nhiều phụ huynh cho rằng dùng tiền có thể mua được tri thức. Sự thật là, tri thức, đạo đức và sự thông tuệ không thể mua được bằng tiền.
Tuy bạn có thể mua được sách, thuê được thầy, mua được phương pháp và các công cụ hỗ trợ học tập đỉnh cao và hiện đại nhưng bạn nên nhớ 'giáo dục là quá trình tự giáo dục'. Ta có thể đưa con ngựa đến bờ suối, nhưng uống nước hay không uống lại là việc của con ngựa.
5. Giao khoán cho bà giúp việc hoặc ông bà
Chăm sóc và rèn luyện con thành đạt là việc mà không ai có thể làm tốt hơn chính bạn. Nếu bạn nghĩ mình chỉ cần nuôi mà không dạy thì bạn chỉ mới làm được 30% công việc của bậc cha mẹ đích thực.
Sau này, đứa trẻ cũng chỉ có 30% là con của bạn thôi. Nhân quả rất rõ ràng. Bạn đã dạy nhưng không rèn thì bạn chỉ hoàn thành 50% chức phận phụ huynh. Một phụ huynh đích thực phải làm tốt cả đẻ, nuôi, dạy và rèn.