Công dụng tuyệt vời của cà rốt với trẻ em
Cà rốt là một loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Công dụng của cà rốt cùng với hương vị thơm ngon cùng, màu sắc bắt mắt của cà rốt có tác dụng kích thích khẩu vị của trẻ.
Cà rốt giàu nguồn vitamin A, beta-carotene, có vị ngọt tự nhiên và mang lại nhiều lợi ích khác nên là một thực phẩm tuyệt vời dành cho trẻ. Tuy nhiên, không dễ dàng để bạn thuyết phục trẻ ăn cà rốt thường xuyên. Để trẻ ăn nhiều cà rốt hơn, bạn hãy chế biến các món ngon từ cà rốt cho trẻ thưởng thức nhé.
Thành phần dinh dưỡng của cà rốt
Cà rốt là một trong những loại rau củ phổ biến, dễ trồng và rất có lợi cho sức khỏe. Sau đây là một số lý do bạn nên cho cà rốt vào chế độ ăn uống của trẻ:
- Cà rốt giàu beta-carotene, một chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển lành mạnh ở trẻ em. Ngoài ra, chất này còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ miễn dịch và có thể chống lão hóa.
- Beta-carotene chuyển hóa thành vitamin A, rất tốt cho thị giác.
- Cà rốt giàu chất thiamin, niacin và vitamin B6.
- Cà rốt có chất xơ giúp làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu.
- Cà rốt giàu mangan, vitamin C và K. Bên cạnh đó, trong củ cà rốt tươi có hàm lượng vitamin C cao và cung cấp 9% lượng vitamin C khuyến cáo dùng hàng ngày.
- Cà rốt giàu chất khoáng như canxi, sắt, kali, đồng và phốt pho.
- Nghiên cứu của Đại học Newcastle cho thấy cà rốt chứa hàm lượng cao falcarinol, một chất chống oxy hóa có tác dụng giúp chống lại một số loại ung thư¹.
Công dụng của cà rốt đối với trẻ em và người lớn
1. Cà rốt giúp sáng mắt
Một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy khoảng 250.000 – 500.000 trẻ em thiếu vitamin A có nguy cơ bị mù mỗi năm. Vitamin A hỗ trợ sáng mắt và được tìm thấy nhiều trong cà rốt. Ăn cà rốt mỗi ngày có thể cải thiện thị lực và ngăn ngừa nguy cơ rối loạn liên quan đến mắt, chẳng hạn như quáng gà.
2. Cà rốt giúp ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng
Lượng beta-carotene giúp làm giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng ở trẻ lên đến 40%. Ngoài ra, vitamin A trong cà rốt có các đặc tính chống oxy hóa giúp cải thiện thị lực của trẻ.
3. Công dụng của cà rốt trong việc giúp làn da khỏe mạnh
Beta-carotene trong cà rốt giúp làn da tươi sáng hơn. Ngoài ra, vitamin A và chất chống oxy hóa trong loại rau củ này bảo vệ làn da khỏi tổn hại dưới ánh nắng mặt trời. Thiếu vitamin A làm cho tóc, móng dễ gãy và da khô. Một chế độ ăn uống lành mạnh có cà rốt cũng có thể làm chậm lão hóa vì beta-carotene giúp sửa chữa những tế bào da bị tổn thương do quá trình trao đổi chất.
3. Cà rốt giúp tăng cường tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón
Cà rốt chứa nhiều chất xơ nhằm thúc đẩy quá trình tiêu hóa. Bên cạnh đó, chất xơ còn giúp ruột hoạt động tốt. Vì vậy, ăn cà rốt ngăn ngừa táo bón và các bệnh rối loạn tiêu hóa khác.
4. Công dụng của cà rốt trong điều trị tiêu chảy
Cà rốt giúp chữa bệnh tiêu chảy nhanh chóng và hiệu quả. Ăn súp cà rốt hay uống nước trái cây vài lần mỗi ngày có thể bù đắp lượng nước bị mất trong cơ thể.
5. Ăn cà rốt giúp loại bỏ giun đường ruột
Cà rốt giúp loại bỏ giun phát triển mạnh trong dạ dày khỏi đường ruột của trẻ. Bạn cho bé ăn súp cà rốt hoặc cà rốt nghiền nhuyễn giúp bé chữa các rối loạn tiêu hóa do giun trong ruột gây ra.
6. Cải thiện trí nhớ là một công dụng của cà rốt
Cà rốt đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển nhận thức ở trẻ. Cà rốt có chứa một hợp chất luteolin, có thể ngăn ngừa chứng viêm não và mất trí nhớ.
7. Ăn cà rốt giúp thanh lọc cơ thể
Cà rốt được dùng như một bữa ăn nhẹ, giúp loại bỏ cholesterol xấu hoặc chất béo có trong gan và chất thải ra ngoài cơ thể. Chất xơ trong cà rốt có tác dụng làm sạch và loại chất độc ra khỏi ruột già.
8. Cà rốt giúp răng của con chắc khỏe
Cà rốt giúp làm sạch mảng bám khỏi nướu và răng, loại bỏ mùi hôi miệng sau khi ăn. Canxi và các khoáng chất khác trong cà rốt có thể chống lại vi khuẩn và giữ cho răng khỏe mạnh và sạch sẽ.
Những công dụng khác của cà rốt
1. Cà rốt giúp phòng ngừa ung thư
Các hợp chất falcarinol, kết hợp với beta-carotene trong cà rốt có thể giúp phòng tránh các ung thư khác nhau bao gồm ung thư vú, cổ họng, miệng, tuyến tiền liệt, bàng quang và ruột. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng những người hút thuốc lá hoặc những người tiếp xúc với thuốc lá ăn cà rốt 1 – 2 lần/tuần ít có khả năng bị ung thư phổi hơn so với người không ăn.
2. Cà rốt giúp giảm nguy cơ bệnh tim
Beta-carotene và alpha-carotene trong cà rốt hoạt động như chất chống oxy hóa giúp điều chỉnh huyết áp ổn định hơn. Một chế độ ăn uống giàu carotenoid giúp chống lại bệnh tim. Ngoài ra, cà rốt góp phần làm giảm cholesterol LDL, không tốt cho tim.
3. Cà rốt giúp ngăn ngừa đột quỵ
Cà rốt giúp giảm nguy cơ đột quỵ. Theo một nghiên cứu của Đại học Harvard, Mỹ, việc ăn rau thường xuyên bao gồm cà rốt, có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ.
Món ngon từ cà rốt cho trẻ
Khi mua cà rốt, bạn chú ý chọn củ không bị mềm và không có vết thâm đen. Nếu bạn cho con ăn cà rốt mỗi ngày, trẻ sẽ dễ chán ăn. Dưới đây là số cách chế biến món ăn với cà rốt để giữ lại chất dinh dưỡng và kích thích sự thèm ăn của trẻ.
Cà rốt luộc: Bạn chỉ cần sử dụng một cốc nước để đun sôi 100g cà rốt với lửa nhỏ. Bằng cách này, nước sẽ bốc hơi và giữ nguyên chất dinh dưỡng của cà rốt.
Cà rốt hấp: Cà rốt hấp ăn kèm với phô mai sẽ là một món ăn nhẹ hấp dẫn với con yêu đấy.
Món xào: Xào cà rốt với 1/2 thìa súp dầu ăn, nêm tí muối và rắc vài cọng mùi tây. Món cà rốt này là một sự lựa chọn tuyệt vời cho buổi tối.
Làm bánh: Cà rốt bào sợi nhỏ, trứng gà, dầu ăn, đường, bột mì đa dụng, bột nở (baking powder), muối. Dùng máy đánh trứng đánh đều, trộn thành hỗn hợp sệt, cho vào khuôn. Nướng ở 175°C từ 40 – 50 phút.
Nước ép cà rốt: Bạn có thể làm sinh tố hoặc nước ép cà rốt với sữa, táo, mật ong.
Nướng: Bạn hãy làm món cà rốt nướng trong một bữa ăn nhẹ bổ dưỡng cho trẻ. Bạn có thể cắt cà rốt theo chiều dọc, thái thành những lát mỏng. Sau đó để chúng lên vỉ nướng phết một ít dầu ô liu. Nướng ở 200°C trong 20 phút. Sau nửa thời gian nướng, bạn lấy vỉ ra đảo đều và cho vào lò nướng tiếp. Bằng cách này bạn có thể thưởng thức món cà rốt nướng trong vòng chưa đầy nửa giờ.