Điện giật là một tai nạn sinh hoạt tương đối phổ biến ở trẻ em do bản tính hiếu động và hay tò mò. Nguy cơ sốc điện phụ thuộc vào loại dòng điện đi qua cơ thể, sức khỏe tổng thể của người đó và nạn nhân được điều trị nhanh như thế nào. Một cú sốc điện có thể gây:
- Bỏng, không để lại dấu vết rõ ràng trên da
- Tổn thương bên trong, ngừng tim hoặc chấn thương
- Các cơ trong cơ thể bị căng cứng, gây nghẹt thở
- Nhịp tim rối loạn, từ đó làm co mạch máu
- Thương tích nặng, sốc nặng và thậm chí tử vong.
Nguyên nhân sâu xa nhất là do sự bất cẩn, chủ quan của người lớn khi không theo sát con em mình, trong khi trẻ con vốn thích khám phá những điều mới lạ. Vì vậy, đối với những gia đình có con nhỏ, cha mẹ cần phải lưu ý và tuân thủ một số nguyên tắc để phòng tránh được những tai nạn không đáng có từ các thiết bị điện nguy hiểm.
Nguyên tắc an toàn khi sử dụng các thiết bị điện
Cơ thể con người là một chất dẫn điện tốt, đó là lý do tại sao dòng điện dễ dàng đi qua cơ thể chúng ta. Dưới đây là một số điều mà bạn cần ghi nhớ:
An toàn điện trong nhà:
- Thiết kế các ổ điện âm tường, ổ điện ngoài tầm với của các bé, nếu các ổ điện trong tầm với cần sử dụng các nắp che ổ điện để ngăn bé chọc tay vào.
- Trẻ nhỏ rất thích thú, tò mò với các đồ điện gia dụng như lò vi sóng, quạt, ấm đun nước, đặc biệt là những đồ điện trang trí có hình thù, màu sắc bắt mắt. Vì vậy cần lưu ý phải để xa tầm với của trẻ, khi sử dụng xong cần cất lên cao.
- Luôn để mắt đến trẻ, đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi từ 0 – 6 tuổi.
- Rút phích cắm, tắt công tắc các đồ điện tử trong trường hợp không sử dụng, cất dây sạc điện thoại khi sạc xong.
- Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, thay thế các thiết bị đã bị cũ hỏng để đảm bảo các thiết bị điện được an toàn, không bị rò rỉ.
- Dùng các ống luồn dây điện để các đường dây điện gọn gàng và tránh bị vật nuôi hay chuột cắn.
- Sử dụng thiết bị ngắt điện cho những ổ cắm trong phòng tắm, nhà bếp và sân vườn. Những thiết bị này sẽ giúp phòng ngừa sốc điện ở những khu vực ẩm ướt.
- Sử dụng các loại ổ cắm và phích cắm 3 chấu vì chấu thứ 3 của phích cắm, ổ cắm điện là chấu tiếp đất, giúp an toàn cho người sử dụng.
- Không cho trẻ dùng máy sấy tóc và các thiết bị điện khác trong phòng tắm.
- Không bao giờ sử dụng bất kỳ thiết bị điện nào gần bồn rửa, bồn tắm hoặc bất kỳ nguồn nước nào khác.
- Luôn lau khô tay trước khi chạm vào bất kỳ thiết bị điện nào, chẳng hạn như công tắc đèn hoặc máy sấy tóc.
An toàn điện ngoài trời:
- Không cho trẻ thả diều, chơi máy bay điều khiển từ xa trong thành phố hoặc ở nơi có đường dây điện bởi điều này có thể gây vướng và khiến điện chạy qua dây, gây bỏng.
- Không chạm vào bất kỳ thiết bị điện nào nếu đang bị ướt hoặc đang đứng trong vũng nước.
- Không dùng tay lấy bất cứ thứ gì vướng vào đường dây điện, thay vào đó hãy gọi trợ giúp.
- Không bao giờ dùng tay chạm vào dây điện bị đứt và đang nằm trên mặt đất. Duy trì khoảng cách an toàn với các dây dẫn để tránh bị điện giật.
- Tránh đến gần các trạm điện và không trèo qua các hàng rào xung quanh các trạm bảo vệ.
- Không ném đồ vật như đá, giày hoặc bất kỳ thứ gì khác vào đường dây điện.
- Không treo bất kỳ biểu ngữ hoặc biển hiệu trên đường dây hoặc cột điện.
- Nếu thấy bất cứ ai bị điện giật, đừng chạm vào người bị nạn mà hãy gọi trợ giúp ngay lập tức.
Làm thế nào để dạy trẻ về các nguyên tắc an toàn điện?
Dạy trẻ các nguyên tắc an toàn điện thật sự là một điều rất khó bởi trẻ quá hiếu động, thích tò mò và đơn giản, trẻ không thể hiểu được những thứ quá phức tạp:
- Dành thời gian để trò chuyện với trẻ
- Tổ chức các trò chơi hoặc cung cấp cho trẻ những quyển sách hay để giúp trẻ quan tâm đến chủ đề an toàn điện. Bạn cũng có thể dạy trẻ bằng cách sử dụng các video tương tác.
- Để trẻ thực hành, bạn cũng có thể mua cho trẻ các thiết bị điện rẻ tiền và giới thiệu cho trẻ về tên và chức năng của các thiết bị này.
- Giải thích cho trẻ hiểu các ổ cắm được bọc bằng nhựa mới là những nơi cắm điện an toàn.
- Khi trẻ đã hiểu rõ, hãy đặt câu hỏi để xác định chắc chắn.
Sơ cứu khi trẻ bị điện giật
Khi phát hiện trẻ bị điện giật, bạn cần:
– Lập tức ngắt nguồn điện bằng cách rút phích cắm điện, ngắt cầu dao điện.
– Sử dụng que gỗ hay chổi, cây nhựa tách trẻ ra khỏi nguồn điện, khi thực hiện việc này tuyệt đối không đi chân trần, ướt.
– Kiểm tra xem trẻ còn thở và mạch còn đập không.
– Nếu nạn nhân ngừng thở và không có mạch, tiến hành các biện pháp sơ cấp cứu ngay:
- Vỗ mạnh 3 – 5 cái vùng ngực.
- Sơ cứu bằng phương pháp hà hơi thổi ngạt: với trẻ trên 8 tuổi, mỗi phút phải thực hiện 20 lần, trẻ em dưới 8 tuổi mỗi phút thực hiện từ 20-30 lần.
Sau khi thực hiện các biện phát sơ cứu cơ bản, nhanh chóng đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.
Các bậc phụ huynh và nhà trường cần trang bị cho các bé kỹ năng về an toàn khi sử dụng các thiết bị điện trong gia đình để đảm bảo sự an toàn của bé yêu trước các mối nguy hiểm rình rập.