Lì xì trong dịp Tết vốn là truyền thống từ bao đời nay của người Việt. Nguồn gốc của phong tục này cũng được thêu dệt từ nhiều nguồn. Có chuyện kể rằng, ngày xưa, ở Đông Hải có rất nhiều yêu quái thường xuyên gây hại bá tánh, song những ngày thường chúng luôn bị các thần tiên ở hạ giới canh giữ. Tuy nhiên, hằng năm các vị thần tiên đều phải về trời vào thời điểm giao thừa. Lúc này, yêu quái lộng hành quấy rối trẻ em đang ngủ, khiến trẻ thường giật mình khóc thét và bị sốt, nên bố mẹ thường không dám ngủ để thức canh con trẻ.
Một lần có 8 vị tiên đi ngang nhà kia thấy vậy liền hóa thành những đồng tiền nằm bên chỗ mấy đứa trẻ, cha mẹ chúng đem gói những đồng tiền này vào tấm vải đỏ để xua đuổi yêu quái. Phép lạ này hiệu nghiệm và nhanh chóng lan truyền ra khắp nhân gian, nên khi Tết đến, người ta lại bỏ tiền vào trong những cái túi màu đỏ tặng trẻ con, mong trẻ chóng lớn và khỏe mạnh hơn, từ đó trở thành tục lì xì đầu năm như hiện nay.
Lì xì là phiên âm của từ “lợi thị” trong tiếng Trung, có nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn. Do đó, tiền lì xì là tiền đem lại cái may mắn, điều lành, điều tốt cho trẻ em dịp đầu năm.
Ý nghĩa của phong bao lì xì không nằm ở số tiền mừng mà quan trọng là ở thiện ý, ý nghĩa tốt đẹp của hành động. Tiền lì xì không quy định là mệnh giá nào, thường là những món tiền nhỏ, gồm cả tiền lẻ và tiền chẵn.
Mừng tuổi không giới hạn trong ngày mùng 1 mà còn có thể kéo dài sang ngày mùng 2, mùng 3, cho tới mùng 10, thậm chí tới tận Tết Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng). Sau khi dậy sớm và diện những bộ quần áo đẹp, người lớn và trẻ con lần lượt ra chúc tết, chúc thọ và biếu lì xì ông bà, bố mẹ.
Sau đó, người lớn sẽ tặng cho những đứa trẻ những chiếc bao lì xì đỏ chót, bên trong chứa những tờ tiền xanh đỏ đẹp mắt cùng với lời chúc mong muốn sự hạnh phúc và tất cả những gì tốt đẹp nhất sẽ đến với người thân của mình trong suốt một năm.
Nhiều trẻ em đang hiểu sai về lì xì
Hiện nay, trong nền kinh tế thị trường, từ suy nghĩ thực dụng của người lớn đã thấm sang cả con trẻ, khiến chúng bắt đầu có sự so bì, người này mừng tuổi ít, người kia mừng tuổi nhiều. Tết đến chúng cũng không còn ngây thơ đem những đồng tiền mừng tuổi lẻ để nuôi heo đất mà đã chuẩn bị sẵn tâm lý “thu hoạch” vào dịp Tết.
|
Người lớn còn lấy ảnh trẻ con để phục vụ cho ý định của mình |
Có trường hợp, khách đến nhà vừa lì xì cho đứa cậu con trai 9 tuổi của gia chủ, cậu bé lập tức mở phong bao rồi chê ít. Nói xong, cậu vứt luôn phong bao lì xì trước mặt người lớn, đút tiền vào túi, chạy đi.
Không ít đứa trẻ học cha mẹ chúng đánh giá giá trị con người tỉ lệ thuận với số tiền mà họ mừng tuổi. Theo chúng, người mừng tuổi nhiều chắc chắn là người tốt, người “sống đẹp”, người mừng tuổi ít là người keo kiệt, bủn xỉn đáng khinh. “Lì xì nhiều khiến trẻ hiểu sai về giá trị tiền bạc, lầm tưởng ai cho nhiều tiền thì yêu mình hơn”, một chuyên gia tâm lý cảnh báo.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Tú An (Hà Nội) cho rằng, lì xì nhiều có thể khiến trẻ em nhìn nhận sai về giá trị tiền bạc, lầm tưởng tiền là biểu tượng của yêu thương và sức mạnh, ai cho mình nhiều tiền thì yêu mình hơn. Trong một số trường hợp, nhất là những gia đình có bố mẹ "làm to", trẻ vô tình trở thành công cụ của người lớn nên dễ mất niềm tin vào người xung quanh. "Những trẻ nhạy cảm có thể nhận ra khách tới nhà lì xì để lấy lòng bố mẹ chúng chứ không xuất phát từ tấm lòng", bà An lý giải.
Theo phó giáo sư - tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), bản chất lì xì là lời chúc may mắn của người lớn đến trẻ con và lời chúc sức khỏe của người trẻ đến người già. Ngày nay, tục lì xì bị biến tướng, vật chất hóa. "Người ta chỉ coi trọng số tiền bên trong chứ không cần biết đến ý nghĩa lì xì nữa", ông Nam nhận định.
Phó giáo sư Nam cảnh báo thêm người lớn, nhất là bố mẹ, không nên dùng lì xì như phần thưởng cho trẻ nhỏ. Ông phân tích: "Nhiều nghiên cứu tâm lý học chỉ ra phần thưởng vật chất như lì xì chỉ tạo ra động cơ bên ngoài, khiến trẻ sống giả tạo để nhận thưởng chứ không thực sự thay đổi từ bên trong".
Trước hết người lớn phải nâng cao ý thức, nên nghĩ rằng mừng tuổi cho trẻ em là ý nghĩa biểu tượng thôi. “Cái cho không quan trọng bằng cách cho”, không quan trọng bằng cách biếu nên coi đó là một thuần phong mỹ tục với ý nghĩa là khát vọng cầu may, cầu cho sinh sôi phát triển, cầu cho ngoan ngoãn, cầu cho tốt đẹp,... chứ không phải để mua những giá trị đó. Bố mẹ phải dạy con trẻ khi nhận lì xì từ người lớn phải đưa cả hai tay ra đón nhận bao lì xì, rồi vòng tay, cúi đầu cảm ơn để rèn luyện cho trẻ sự lễ phép. Khi nhận xong, bố mẹ phải tập cho con cất bao lì xì đó vào túi áo hoặc nhờ bố mẹ giữ hộ. Nếu bố mẹ cho trẻ mở bao lì xì ngay, nhiều khi trẻ vô tình có những lời bình luận không hay về số tiền lì xì.
Chúng ta nên đưa phong tục trở về với ý nghĩa tốt đẹp nhất của nó, làm sao để phong tục này là mỹ tục đừng biến thành hủ tục.