Truyện cổ tích là gì?
Truyện cổ tích là gì?
Truyện cổ tích là một loại truyện dân gian kể về cuộc đời của một số kiểu nhân vật điển hình như:
-
Kiểu nhân vật bất hạnh: người mồ côi, người em út, người con riêng, người có hình dạng xấu xí…;
-
Kiểu nhân vật dũng sĩ có tài năng đặc biệt để cứu nước, giúp dân;
-
Kiểu nhân vật thông minh hoặc nhân vật ngờ nghệch;
-
Động vật có những điều đặc biệt như biết nói, hoạt động như con người hoặc có tính cách như con người…
Truyện cổ tích có bao nhiêu loại?
Dựa vào đặc điểm của những kiểu nhân vật và tính chất sự việc được kể lại mà chia truyện cổ tích thành 3 loại như sau:
Truyện cổ tích về các loài vật
-
Có thể là vật nuôi trong nhà, thường miêu tả đặc điểm khác biệt của loài vật quen thuộc với chúng ta;
-
Có thể là động vật hoang dã, sống trong rừng nhưng được thừa hưởng một khả năng đặc biệt nào đó như biết nói chuyện, thông minh, mưu mẹo so với những loài vật khác.
Điểm chung của cả 2 kiểu truyện trên nhằm khám phá thế giới loài vật. Một vài câu chuyện về động vật có sự tham gia của con người nhưng một số thì không, các nhân vật chỉ toàn là con vật. Điểm khác biệt giữa truyện cổ tích về loài vật với thể loại thần thoại ngụ ngôn là sự nhân cách hóa.
Trong thần thoại, các tình tiết trong câu chuyện sẽ có một chút trừu tượng trong khi cổ tích lại thiên về phản ánh xã hội loài vật hơn. Vẫn có một số truyện vừa là thần thoại, vừa là cổ tích, chẳng hạn như Cóc kiện Trời, Công và quạ…
Truyện Cóc kiện trời
Loại cổ tích thần kỳ
Kể về những sự việc xảy ra xung quanh cuộc sống gia đình hoặc xảy ra ở xã hội loài người. Đó có thể là mâu thuẫn gia đình, có thể là tình yêu hay các mối quan hệ xã hội. Điển hình của thể loại truyện này là truyện Tấm Cám, Cây Khế…
Tóm lại, nội dung của cổ tích thần kỳ thường hướng đến số phận con người và đời sống xã hội. Đối tượng chính là miêu tả, phản ánh số phận của nhân vật trung tâm. Trong thể loại này sẽ có sự xuất hiện của nhân vật thần kỳ, có thể là bà tiên, ông bụt… nhưng đó không phải là nhân vật trung tâm mà chỉ là yếu tố thêm thắt vào.
Nếu nhân vật thần kỳ có vai trò lớn hơn con người thì câu chuyện đó nghiêng về hướng thần thoại hơn. Trong thể loại truyện thần kỳ lại được chia thành 2 nhóm nhỏ là truyện về nhân vật tài giỏi và truyện về nhân vật bất hạnh.
-
Truyện về nhân vật tài giỏi: kể về nhân vật có tài năng đặc biệt, siêu phàm như chữa bệnh giỏi, bắn cung giỏi hoặc tài năng võ nghệ… Nội dung thường là cuộc phiêu lưu của nhân vật chính và kết quả cuối cùng là lập được chiến công, tiêu diệt cái ác. Những mẩu truyện về nhân vật tài giỏi là sự mưu cầu hạnh phúc của những con người nhỏ bé, bình thường.
-
Truyện về nhân vật bất hạnh: thường là nhân vật người em út trong gia đình, con riêng của bố, người giúp việc hoặc nhân vật có bề ngoài xấu xí. Điểm chung của những nhân vật này là ức hiếp, chịu nhiều thiệt thòi. Tính cách tốt, đạo đức tốt nhưng lại khá cam chịu. Tuy nhiên, sau khi trải qua nhiều thử thách thì có cơ hội đổi đời và được hưởng hạnh phúc trọn vẹn.
Truyện Tấm Cám
Truyện về thế lực
Những sự kiện ly kỳ xuất hiện từ thế giới trần tục. Trong thể loại cổ tích thế lực, vẫn có yếu tố thần kỳ xen vào nhưng không quan trọng bằng truyện cổ tích thần kỳ. Hơn nữa, nhân vật trung tâm trong loại truyện này cũng chủ động hơn, tích cực hơn cho dù số phận của họ cũng bất hạnh, gặp nhiều bế tắc.
Kiểu bế tắc trong truyện thế lực cũng hiện thực hơn, không phải là ước muốn đổi đời huyền ảo. Có thể tìm đọc những câu chuyện sau đây như Sự tích chim Quốc, Đứa con trời đánh, Em bé thông minh, Chàng ngốc được kiện, Làm công chúa nói được, Cái chết của bốn ông sư…
Truyện Sự tích chim Quốc
Đặc điểm của truyện cổ tích Việt Nam
-
Đặc trưng về nghệ thuật: đa phần các câu chuyện đều có yếu tố hư cấu, hoang đường;
-
Đặc trưng về cốt truyện: diễn biến của câu chuyện thường là sinh ra - biến cố - trải qua biến cố - kết cục, hầu hết kết cục của truyện đều có hậu;
-
Đặc trưng về ý nghĩa, nội dung: truyền tải ước mơ, niềm tin của nhân dân về cái thiện chiến thắng cái ác, về sự công bằng và về khát khao thoát khỏi chiến tranh.
Việt Nam ta tự hào khi có kho tàng truyện cổ tích khổng lồ. Nhờ đó mà các thế hệ non trẻ biết được cội nguồn của dân tộc, biết về những đạo lý sống và cách làm người. Vì vậy hãy tìm đọc truyện cổ tích thêm nữa nhé.