Sau hơn một tháng đi học lại, hầu hết các trường vẫn tiếp tục thực hiện các công tác bảo đảm sức khỏe cho trẻ khi đến lớp và thông qua đó, hướng trẻ hình thành những thói quen tốt.
Giữ vệ sinh cá nhân và trường lớp
Sau khi ra chơi cùng các bạn, vừa vào lớp, bé Gia Phú (lớp chồi 4, trường Mầm non Củ Chi 2, TP HCM) chạy ngay đến bồn rửa tay. "Con rửa tay xong thấy con virus rớt xuống, chết luôn. Các bạn vỗ tay khen con giỏi quá", bé khoe với cô giáo với giọng ngọng nghịu rất trẻ con.
Còn mẹ của bé Gia Tường (5 tuổi, quận 8, TP HCM) kể rằng bé không cho mẹ ôm hôn khi đi làm về, chỉ vì mẹ quên rửa tay. "Cô giáo bảo con virus là xấu, ghê lắm", chị Cẩm Nhung - mẹ của bé chia sẻ.
Những thói quen như đeo khẩu trang hay rửa tay bằng xà phòng nghe tưởng như đơn giản, nhưng trước đây, có rất nhiều bố mẹ phải "bó tay" vì các bé nhất quyết không thực hiện, nhất là các bé ở tuổi mầm non. Thế nhưng khi đến lớp đều răm rắp nghe lời của giáo viên, nhiều bé sau đó còn thực hiện nghiêm túc như những "sao đỏ" thực thụ.
Cô Phạm Thị Thu Lan, giáo viên trường Tiểu học Củ Chi (TP HCM) chia sẻ, lúc trước chưa có dịch, rất ít thấy các bé đeo khẩu trang, nhưng bây giờ trong cặp các bé luôn để sẵn vài cái khẩu trang. Bé ra đường, từ nhà đến trường hoặc từ trường về... đều tự giác đeo. Một số em còn mang theo nước rửa tay. Có em còn biết đọc nhiệt độ trên nhiệt kế khi đo thân nhiệt.
Ngoài hướng dẫn rửa tay, đeo khẩu trang đúng cách, nhà trường cũng trang bị vật dụng cá nhân như chai nước riêng, không uống chung ly ở trường, tránh lây lan bệnh qua đường miệng. Nhiều bé đã quen nề nếp này nên khi về nhà hay đi đến nơi công cộng đều tự giác rửa tay, dùng riêng đồ dùng cá nhân, đeo khẩu trang hay tự giác lau dọn bàn học của mình...
Nhờ vậy, phụ huynh không những yên tâm hơn khi con được bảo vệ sức khỏe tốt ở lớp mà quan trọng hơn, các con tự giác thực hành các thói quen tốt chứ không chờ nhắc nhở.
Chế độ dinh dưỡng và thói quen ăn uống khoa học
Theo các chuyên gia, chế độ dinh dưỡng là "chìa khóa" quan trọng để trẻ tăng sức đề kháng, phòng ngừa các bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ, nhất là thời điểm giao mùa. Trong tâm thế phòng dịch bệnh lâu dài, nhà trường cũng đặc biệt quan tâm đến khẩu phầndinh dưỡng hợp lý, giúp trẻ mầm non, tiểu học nâng cao đề kháng, tăng cường sức khỏe.
Cô Phan Thị Mỵ, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học thị trấn Củ Chi (TP HCM) cho biết, chế độ của học sinh bán trú của trường là ăn cơm trưa, chiều ăn xế. Nhà trường chủ động lên thực đơn đủ bốn nhóm chất, thay đổi món mỗi ngày để học sinh ăn đủ khẩu phần, có đủ dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, học tập hiệu quả hơn.
Ngoài ra, vì trường thuộc địa bàn được thành phố triển khai chương trình Sữa học đường nên học sinh có thêm một bữa sữa vào giờ ra chơi sáng. Nhìn trên mặt bằng chung của học sinh ở thị trấn, việc bổ sung bữa sữa khi đi học đã giúp nhiều trẻ được uống sữa đều đặn hơn và phụ huynh tiết kiệm được một khoản chi phí.
Giờ uống sữa theo chương trình Sữa học đường trở thành hoạt động quen thuộc của hàng triệu học sinh trên cả nước, mang đến niềm vui và nhiều điều thú vị cho các em học sinh.