Không ít cha mẹ đã phải đau đầu đối phó với chuyện ông bà muông chiều cháu thái quá. Vấn đề này tưởng chừng như khó giải quyết khi dễ nảy sinh mâu thuẫn bởi mỗi thế hệ có một quan niệm riêng về phương pháp nuôi dạy trẻ.
Thử tưởng tượng, gia đình giống như một công ty nhỏ trong đó có đội ngũ quản lý (cha mẹ), những người bị quản lý (trẻ nhỏ) và chuyên gia tư vấn quản lý hoặc tiếp quản công ty (ông bà). Thực tế, cha mẹ quá bận rộn với guồng quay đồng tiền, thậm chí đùn đẩy nhiệm vụ chăm sóc con cái cho nhà trường và ông bà ở nhà. Trong khi đó, ông bà luôn nuông chiều cháu, không muốn đặt ra nhiều quy tắc quá nghiêm ngặt và ranh giới đối với trẻ. Đó có thể là nguyên nhân khiến trẻ hay nhõng nhẽo, khó bảo.
Chơi với trẻ nhiều có thể khiến người già vui vẻ, yêu đời hơn. Họ yêu thương cháu và luôn muốn đáp ứng mọi nhu cầu của trẻ để chúng hài lòng. Người già luôn sẵn lòng và hào phóng khi cho trẻ ăn kẹo hay bánh vô tội vạ, nhưng lại có ít sức khỏe và thời gian để cho chúng vận động. Vì vậy, ông bà có thể bị coi là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bé phì. Họ luôn mang đồ ăn ra để thưởng cho con trẻ khi chúng làm tốt việc gì hoặc coi đó là cách chăm sóc cháu, cũng như luôn muốn bọn trẻ ăn nhiều hơn, thích chúng mập mạp hơn cái thời đói ăn gầy nhom như cha mẹ chúng khi xưa.
Các nhà khoa học thuộc trường Đại học London đã tiến hành nghiên cứu 12.000 trẻ 3 tuổi cho thấy, những đứa trẻ thường xuyên được ông bà chăm sóc có khả năng thừa cân nhiều hơn 34% so với những bé đi nhà trẻ.
Tại sao ông bà lại dễ "làm hư" cháu như vậy?
Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng tâm lý chung là người già luôn muốn thấy tiếng cười của trẻ nhỏ hơn là một khuôn mặt mếu máo. Hơn nữa, họ muốn sống lại những kỷ niệm đẹp đẽ từng có khi chăm sóc con của mình. Trong khi đó, những người con của họ đã và đang dần xa cách cha mẹ so với hồi còn nhỏ, vì vậy, với các cháu, họ muốn được làm tất cả mọi thứ mà trước đây chưa làm được với con mình vì không có cả tiền bạc lẫn thời gian. Nhìn chung, trong mắt trẻ thơ, ông bà luôn là "người bảo vệ tối thượng" trong khi cha mẹ là những "cảnh sát hầm hè đi kèm roi, phạt".
Giải quyết chuyện nuông chiều
Cha mẹ nên nói chuyện cởi mở với ông bà: Đôi khi chỉ cần cha mẹ nói chuyện với ông bà một cách cởi mở để truyền đạt phương pháp mà mình muốn họ đối xử với cháu. Trong gia đình, cha mẹ thường nghiêm khắc, đôi khi là trừng phạt những hành vi sai trái của trẻ, quát mắng trong cơn giận dữ, nhưng ông bà thường đáp ứng nhu cầu của chúng. Chính điều này làm trẻ nghĩ rằng cho dù cha mẹ nghiêm ngặt cũng có ông bà "chống lưng", khiến những hình phạt hoặc quy tắc không có hiệu quả. Vì vậy, bố mẹ cần phải để ông bà hiểu và tôn trọng cách dạy dỗ trẻ.
Nhẹ nhàng đặt những giới hạn:
Ông bà luôn cho rằng họ có kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực nuôi dạy và chăm sóc con trẻ. Nhưng đôi khi họ cần được nhắc nhở rằng họ không phải là cha mẹ của những đứa trẻ, trong khi việc chiều chuộng chính là làm hư chúng, ảnh hưởng đến tương lai và khả năng phát triển. Vì vậy, việc thiết lập giới hạn với ông bà khá quan trọng.
Chỉ cần đơn giản nói:
"Không, mẹ không muốn con ăn kẹo trước giờ ngủ trưa. Hãy đưa lại cho ông, khi nào thức dậy mới được ăn". Đó là cách làm hiệu quả để "đối phó" với ông bà làm hư trẻ. Thiết lập những giới hạn không có nghĩa là không cho phép bất kỳ sự can thiệp nào từ ông bà, dễ gây tự ái người già, cần phố hợp của ông bà cùng cha mẹ để giáo dục con trẻ trong nhà.
Chấp nhận "xuôi theo dòng":
Cha mẹ nên chấp nhận thực tế rằng ông bà có một vai trò đặc biệt trong cuộc sống của con trẻ. Ông bà là hình mẫu mà trẻ nhỏ học tập và xem là một chỗ dựa. Bởi thực tế, "mật ong thu hút nhiều ruồi hơn giấm". Bởi sau một người mẹ, người cha nghiêm ngặt cần có sự vỗ về, an ủi của ông bà để trẻ hiểu rằng, tất cả những gì người lớn làm như vậy cũng là muốn tốt cho chúng. Điều quan trọng là cách chiều chuộng của người già cần có giới hạn nhất định để không quá làm hư trẻ. Vì vậy, sự hiện diện và can thiệp của ông bà có thể tạo ra cuộc sống khác biệt của trẻ, giúp chúng có những trải nghiệm đáng nhớ trong suốt thời thơ ấu.