1. Quá trình phát triển ngôn ngữ bình thường ở trẻ
Từ 7 - 9 tháng: Trẻ thường xuyên lặp lại các âm tiết giống nhau. Biết dùng cử chỉ cũng như các hoạt động để gây chú ý.
Từ 9 - 12 tháng: Bắt đầu có những tiếng bập bẹ. Trẻ sẽ dử dụng các cử chỉ bằng đầu, cơ thể để thể hiện các yêu cầu.
Từ 12 - 15 tháng: Trẻ có thể sử dụng được 7 từ hay nhiều hơn. Chúng thường xuyên dùng giọng và cử chỉ để có được đồ vật mong muốn. Bắt chước các từ mới cũng như nói gần các từ đơn.
Từ 15 - 18 tháng: Sử dụng được 20 từ hoặc hơn (từ đơn).Khi trẻ được 18 tháng tuổi trẻ bắt đầu nói và tự nối ghép được hai từ với nhau và nói được nhiều từ có ý nghĩa. Ở giai đoạn này trẻ nói bắt đầu hình thành các trật tự câu cũng như giảm các cử chỉ, dùng lời nói nhiều hơn để giao tiếp.
Từ 18 tháng đến 2 tuổi: Biết khoảng 25 từ, gọi tên người, chào hỏi, từ chối.
Từ 2 - 3 tuổi: Nói rất nhiều, biết từ 50 đến 200 từ, tự nói chuyện khi chơi. Đến 3 tuổi trẻ tạo ra một cụm từ có đầy đủ thành phần chủ vị. Trẻ biết sử dụng các câu đơn giản, đặt câu hỏi đơn giản. Trẻ trả lời được các câu hỏi như: cái gì, ở đâu? Có/không. Sau giai đoạn này trẻ sẽ nói được và sẽ tạo đà cho trẻ phát triển rất nhiều các câu phức tạp, hình thành được các câu chuyện dài với nội dung khá logic.
Từ 3 - 4 tuổi: Trẻ nói được các câu phức tạp, bắt đầu sử dụng các ngôn ngữ ấy một cách khá tốt. Tự kiểm soát được cường độ giọng nói, xây dựng ngữ điệu như người lớn, thường hỏi cái gì, ở đâu, tại sao,...
2. Dấu hiệu trẻ chậm nói
Một số dấu hiệu trẻ chậm nói:
- 2 tuổi chỉ phát âm hoặc nói vài từ đơn giản
- 3 tuổi chưa trả lời được tên, tuổi cũng như chưa nói được những câu ngắn.
- 4 tuổi chưa đặt được những câu hỏi như Tại sao? Ai đó ? Ở đâu? Số lượng câu nói ít hơn 8 câu.
- 5 tuổi chưa biết kể lại câu chuyện mà trẻ thích hay là nói về ước mơ trong tương lai với từ “sẽ ”.
Ngoài ra trẻ còn có những biểu hiện như:
- Không vui hoặc nhút nhát, bám mẹ.
- Dễ dàng cáu giận hoặc khóc.
- Hay đánh bạn hoặc dành đồ chơi với bạn.
- Không chơi với ba mẹ hoặc với các bạn.
Ở từng giai đoạn, trẻ có những tiến bộ trong giao tiếp. Đặc biệt là trong 5 năm đầu đời, đây là khoảng thời gian quan trọng trong việc chuẩn bị cho việc học. Trong đó 3 năm đầu là thời gian vàng của đánh giá chẩn đoán và can thiệp sớm trẻ chậm nói. Trẻ không được can thiệp sớm sẽ dẫn đến việc bày tỏ ý kiến và cảm xúc bị hạn chế, khiến trẻ sẽ có hành vi không phù hợp như gây hấn, căng thẳng. Điều này làm cản trở việc kết bạn sau này của trẻ cũng như ảnh hưởng trở lại việc học hỏi khám phá thế giới xung quanh.
3. Làm gì khi trẻ chậm nói?
Phụ huynh cần quan tâm chăm sóc nhằm giúp trẻ cải thiện các kỹ năng ngôn ngữ tuỳ theo độ tuổi. Việc khuyến khích trẻ tập nói là điều cần làm trước tiên bởi trẻ có thể nghe và hiểu từ rất sớm, trước khi trẻ có thể tự nói.
Cần thường xuyên nói chuyện với trẻ, đọc sách cho trẻ nghe, khuyến khích trẻ tập trung vào bạn, vào đồ vật nào đó mà bạn muốn nói đến. Nên nói đến những vật có trước mặt, hay những điều đang xảy ra. Không ép trẻ phải nói nhưng nhớ đưa ra lời khen khi trẻ tập nói. Chú ý lắng nghe, cho con bạn có thời gian để thực hiện những lời trẻ sắp nói, cũng như thường xuyên đưa ra lời động viên như "Con nói giỏi lắm", giúp trẻ mạnh dạn tập nói.
Dạy cho trẻ những từ đơn giản, dễ hiểu. Tốt nhất là dạy trẻ nói dựa theo những tình huống xảy ra hàng ngày, tạo nhiều tình huống khác nhau khi nói về một từ nào đó. Tập cho con bạn biết nghe các âm thanh khác nhau hay tập cho con giao tiếp qua những hình ảnh hay điệu bộ cũng là cách giúp cho trẻ tập nói tốt. Không nên cho trẻ xem ti vi quá nhiều, cần kiểm soát thời gian và chương trình ti vi. Cha mẹ nên cùng xem với trẻ các chương trình như phim hoạt hình, ca nhạc và bình luận về các tình tiết, nhân vật, hội thoại trong phim để giúp trẻ xây dựng phản xạ ngôn ngữ.
Khi nhận thấy trẻ có bất kỳ những dấu hiệu cho thấy chúng chậm nói, các bậc phụ huynh trước tiên cũng đừng nên lo lắng quá, mà hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa Nhi để các bác sĩ kiểm tra. Tuỳ theo mức độ chậm nói và độ tuổi của trẻ các bác sĩ sẽ có can thiệp phù hợp để cải thiện tình trạng chậm nói ở trẻ.