CÁC TRÒ CHƠI TOÁN HỌC CHO TRẺ MẦM NON HAY NHẤT
Học Toán không nhất thiết cứ phải lớn như khi vào lớp 1 ba mẹ mới bắt đầu cho trẻ học mà hãy dựa vào sở thích của trẻ mà tạo hứng thú yêu thích toán ngay từ mầm non ba mẹ nhé. Dưới đây là 10 trò chơi toán học cho trẻ mầm non hay nhất ba mẹ tham khảo và tổ chức chơi với bé yêu nhà mình nhé. Hãy cùng con nuôi dưỡng tình yêu với các con số khô cằn nhưng khá thú vị.
1. Trò chơi năm mười
Tác dụng của trò chơi : Thông qua trò chơi toán học năm mười sẽ giúp trẻ làm quen với những con số nhanh hơn từ khi còn nhỏ. Bé sẽ cực thích thú với trò chơi.
Cách chơi: Số lượng chơi từ 3 người trở lên. Ba mẹ chơi với trẻ và anh chị của trẻ. Xác định người sẽ đi tìm đầu tiên bằng cách chơi Oẳn tù tì, ai thua sẽ phải úp mặt vào tường đếm “Năm, mười…” cho tới 100. Trong khoảng thời gian này, những người còn lại sẽ đi trốn. Sau đó, người đi tìm sẽ phải đi tìm những người còn lại. Nếu ai bị phát hiện sẽ trở thành người đếm tiếp theo. Nếu những người đi trốn có thể tự chạy về đích trước người bị tìm thì sẽ thoát.
2. Trò chơi que tính
Tác dụng của trò chơi: Chơi que tính là trò chơi toán học cho trẻ mầm non, được phát triển từ một trò chơi dân gian rất thú vị. Trò chơi này dạy trẻ làm quen với việc đếm số lượng.
Chuẩn bị: Ba mẹ chuẩn bị 1 bộ gồm 10 que tính và 1 quả bóng nhỏ.
Cách thức chơi: Ba mẹ và trẻ Oẳn tù tì để xem ai dành phần chơi trước. Ba mẹ chơi trước cho trẻ một lần để trẻ biết cách chơi. Khi chơi, ba mẹ rải các que tính xuống đất cùng lúc đó tung quả bóng lên không trung, cứ mỗi lần tung bong là một lần nhặt từng que một. Lượt chơi kết thúc khi quả bóng và que rơi xuống đất. Ba mẹ đếm số que bắt được. Sau đó đến lượt trẻ chơi.
3. Trò chơi cua cắp
Tác dụng của trò chơi: Đây là trò chơi toán học cho trẻ mầm non giúp trẻ rèn luyện kĩ năng phân loại, đếm, so sánh số lượng thành thạo. Trẻ sẽ đỡ bỡ ngỡ khi vào lớp 1.
Cách chơi: Ba mẹ chơi với bé hoặc cho bé chơi với anh chị. Đầu tiên ba mẹ sẽ hướng dẫn bé oẳn tù tì để xác định người đi trước. Người đi bốc 10 viên sỏi lên rồi thả xuống đất. Sau đó, đan 10 ngón tay vào nhau nắm lại, chỉ để hai ngón duỗi thẳng ra làm càng cua. Người chơi lần lượt dùng hai ngón tay cắp từng viên sỏi nhưng không được chạm viên sỏi khác. Cắp sao cho hết viên sỏi thì thắng. Trẻ cắp rồi đếm số sỏi mình cắp được. Nếu người chơi khi đang cắp viên sỏi mà chạm tay vào tay người còn lại sẽ phải nhường cho người còn lại đi. Ai là người cắp được nhiều nhất là người chiến thắng.
4. Trò chơi Ô ăn quan
Tác dụng của trò chơi: Tuổi thơ của thế hệ 7X-8X-9X có lẽ ai cũng biết trò chơi dân gian này. Ngoài tính giải trí, tiện dụng, dễ chơi, ô ăn quan còn có thể giúp trẻ biết đếm số từ 1-10. Đồng thời đây là một trong những trò chơi toán học cho trẻ mầm non giúp bé rèn tư duy sáng tạo để đưa ra chiến thuật riêng cho mình.
Chuẩn bị trò chơi: Ba mẹ sẽ vẽ 1 hình chữ nhật và chia hình thành 10 ô vuông với mỗi bên 5 ô đối xứng nhau hay còn gọi là ô quân. Tiếp theo vẽ 2 hình bán nguyệt hướng ra phía ngoài ở 2 cạnh ngắn hơn của hình chữ nhật, đây gọi là ô quan. Quân quan cần chọn loại có kích thước lớn hơn quân dân.
Cách chơi: Trò chơi dành cho 2 người. Ban đầu sẽ đặt 5 quân vào ô dân và 1 quân vào ô quan. Để chọn người chơi trước bằng cách Oẳn tù tì. Khi chơi, trẻ sẽ tính toán để bốc quân ở bất kỳ ô nào của bên mình để rải quân vào các ô đi qua. Rải đến khi nào gặp 1 ô trống, trẻ sẽ được ăn số quân ở liền sau ô trống đó. Cứ chơi như vậy đến khi bên nào ăn hết quan sẽ đếm số quân và ăn tới quan.
5. Trò chơi Oẳn tù tì
Tác dụng của trò chơi: Trò chơi toán học cho trẻ mầm non này có thể áp dụng mọi lúc mọi nơi, dạy bé tập đếm trên bàn tay cũng rất hiệu quả.
Cách chơi: Những vật dụng được thể hiện qua bàn tay:
Cái Búa: Nắm các ngón tay lại
Cái Kéo: Nắm 3 ngón tay gồm có ngón cái, ngón áp út, và ngón út lại, và xèo 2 ngón tay còn lại
Cái Bào: Xòe cả 5 ngón tay ra .
6. Trò chơi “ Hãy làm lại như cũ”
Tác dụng của trò chơi: Đây là trò chơi Toán học cho trẻ mầm non giúp trẻ ghi nhớ vị trí vật rất tốt mà ba mẹ có thể áp dụng thử chơi với trẻ. Trẻ sẽ thấy vui vẻ và thích thú với trò này.
Ba mẹ chuẩn bị: Chậu hoa cúc, hoa hồng, hoa vạn thọ, hoa mai và mô hình có ngôi nhà.
Cách chơi: Ba mẹ cho trẻ quan sát mô hình và nói tên các loài hoa trong mô hình. Sau đó yêu cầu trẻ đặt các loại hoa ở vị trí trước, sau, phải, trái của ngôi nhà ( ngôi nhà ở giữa). Khi chơi, trẻ nhắm mắt lại, ba mẹ thay đổi vị trí các chậu hoa, trẻ mở mắt ra phải nói được cái gì đã thay đổi, thay đổi như thế nào. Ba mẹ yêu cầu trẻ xếp lại như cũ.
7. Trò chơi trái cây
Tác dụng của trò chơi: Trò chơi trái cây khá vui nhộn với trẻ, bởi không chỉ giúp bé thích ăn các loại trái cây khác nhau mà còn giúp bé tập làm quen dần với việc đếm số. Từ đó, tạo tiền đề cho trẻ trong việc học toán sau này.
Ba mẹ cần chuẩn bị: hoa quả : táo , lê, cam,…. Các biểu tượng cộng, trừ, bằng.
Cách chơi: Ba mẹ chỉ cần đặt hoa quả trên bàn. Đặt thêm những biểu tượng cộng “+” hoặc trừ “-“. Hoặc bằng”=” ở phía cuối. Sau đó ba mẹ sẽ yêu cầu bé lấy số hoa quả đúng nhất đặt vào sau dấu bằng. Mỗi câu trả lời đúng trẻ sẽ được một quả làm phần thưởng. Chơi đến khi bé thành thạo và hết số trái cây làm phần thưởng.
8. Trò chơi nhận biết hình dạng đồ vật
Tác dụng của trò chơi: Trò nhận biết hình dạng đồ vật là trò chơi toán học cho trẻ mầm non đơn giản nhưng thực ra rất hữu ích, giúp trẻ nhận biết được sự khác biệt hình dạng và biết được cách xếp hình tương ứng với nhau một cách tự nhiên và dễ hiểu nhất.
Ba mẹ cần chuẩn bị: Một hộp đồ chơi xếp hình dạng bằng gỗ hoặc nhựa.
Cách chơi: Đầu tiên, ba mẹ sẽ giới thiệu trẻ qua hình dạng và cách chơi một lần, sau đó quan sát và để trẻ chơi một mình. Mỗi khi trẻ chọn đúng hình tương ứng thì hãy thưởng hoặc vỗ tay động viên bé.
9. Trò chơi xếp hình
Tác dụng của trò chơi: Đây là một trò chơi giúp bé nhận biết và gọi tên các hình một cách nhanh chóng và nhớ sâu nhất.
Ba mẹ cần chuẩn bị: Giấy màu đã được cắt thành những hình dạng hình học khác nhau như hình chữ nhật, hình vuông, tam giác…theo một khung hình có sẵn từ trước.
Cách chơi: Ba mẹ cần giới thiệu qua cho trẻ nhận biết mỗi hình trước. Sau đó ba mẹ yêu cầu bé ghép tập hợp giấy lộn xộn ban đầu về khung hình theo mẫu.
10. Trò chơi “ Tay ai khéo”
Tác dụng của trò chơi: Đây là trò chơi toán học cho trẻ mầm non khá quen thuộc. Thông qua trò chơi này, trẻ sẽ được thể hiện sự khéo léo của mình, khả năng cảm nhận và đoán kích cỡ chính xác.
Ba mẹ cần chuẩn bị: 5 que tính có độ dài khác nhau, khăn bịt mắt.
Cách chơi: Ba mẹ sẽ bịt mắt trẻ. Sau đó ba mẹ yêu cầu trẻ thông qua việc cầm nắm 5 que tính được chuẩn bị sẵn để chọn que dài nhất hoặc que ngắn nhất. Khi ba mẹ yêu cầu mà trẻ chọn được đúng như yêu cầu hãy khích lệ trẻ hoặc trao cho trẻ những phần thưởng nho nhỏ.
Trên đây là các trò chơi toán học cho trẻ mầm non. Hi vọng với các trò chơi thú vị này, ba mẹ và các bé sẽ có những giờ phút vừa học vừa chơi đầy bổ ích.
Tác giả: Nguyễn Thị Hương – PHT- Sưu tầm