Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời cảm ơn chân thành sâu sắc nhất tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thưa các đồng chí và các thầy giáo cô giáo thân mến,
Trong không khí sôi nổi, phấn khởi của cả nước hướng về Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, với tất cả tình cảm, sự tri ân sâu sắc, thay mặt Chính phủ, tôi thân ái gửi đến các thế hệ nhà giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Hôm nay tôi rất vui mừng chào đón 60 các thầy cô giáo tiêu biểu đại diện cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên trên cả nước. Các thầy cô đã có nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, là những người hội tụ phẩm chất trí tuệ, sự tận tâm, trách nhiệm và tình yêu đối với sự nghiệp trồng người, là “những bông hoa đẹp trong rừng hoa đẹp”. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân của một người đã từng là phụ huynh học sinh, từng là một người học trò và từng là người tham gia giảng dạy, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành sâu sắc nhất tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước, những người gánh vác một sự nghiệp hết sức quan trọng, trong một nghề cao cả nhất là trồng người.
Các thầy giáo cô giáo thân mến!
Từ xa xưa cha ông ta đã có câu:
“Con ơi nhớ lấy lời này
Ơn cha nghĩa mẹ công thầy chớ quên”
hay
“Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”.
Truyền thống tốt đẹp ấy được tiếp nối qua các thế hệ, tỏa sáng trong mọi thời đại, là mạch nguồn bền bỉ nuôi dưỡng tinh thần hiếu học, coi trọng giáo dục của nhân dân ta. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện sự hiểu biết, khát vọng và tầm nhìn lớn lao, sâu sắc về giáo dục. “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho... đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Trong bản yêu sách của nhân dân An Nam năm 1919, một trong 8 nội dung cơ bản được Người nêu lên là: Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ. Với tư tưởng đó, cả đời Người không bao giờ ngừng học tập rèn luyện. Và bản thân Người cũng là một người thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, một danh nhân văn hóa thế giới trên con đường giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Người khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế văn hóa”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hoa, chúc mừng các thầy giáo, cô giáo nhân dịp kỷ niệm Ngày 20/11. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trong suốt những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục. Các chính sách tập trung đổi mới toàn diện giáo dục, trong đó chú trọng quan tâm chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo, nhất là các thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn, ngành giáo dục và đào tạo đã đóng góp to lớn trong việc bồi dưỡng nhân cách đạo đức cho thế hệ trẻ, giúp phát triển con người, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, đóng góp chung vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Trong những năm gần đây, giáo dục Việt Nam ngày càng đạt nhiều kết quả tích cực, khẳng định vị thế quan trọng dẫu rằng phía trước còn rất nhiều việc phải làm, phải đổi mới. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên ở tất cả các cấp học. Một số trường đại học đã cải thiện vị trí xếp hạng trong các bảng xếp hạng khu vực và quốc tế. Học sinh của chúng ta đạt được nhiều giải thưởng cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực, thể hiện trí tuệ và sức sáng tạo của người Việt Nam. Những thành tựu đó có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ các thầy cô giáo.
Thưa các thầy cô giáo!
Gần 2 năm qua, dịch Covid - 19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Giáo dục và đào tạo là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch này, nhưng đây cũng là cú hích để chúng ta thay đổi tư duy quản lý, phát huy sự sáng tạo trong mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường và toàn ngành giáo dục, nâng cao khả năng thích ứng với hoàn cảnh mới và là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới trong giáo dục. Cũng trong bối cảnh dịch bệnh, các thầy cô giáo của các trường y luôn sẵn sàng lên đường tới bất cứ nơi đâu để cùng cả nước tham gia phòng chống dịch. Có thể nói trong bất kỳ hoàn cảnh nào dù khó khăn đến đâu, ngành giáo dục mà trong đó các thầy cô giáo chính là lực lượng nòng cốt đã chủ động, linh hoạt chuyển đổi sang phương thức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình. Nhiều thầy cô đã phát huy sáng tạo tìm mọi cách để đưa bài học, kiến thức đến với học trò. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành đã tổ chức triển khai kỳ thi THPT quốc gia nghiêm túc, an toàn và đảm bảo yêu cầu chống dịch, được dư luận đánh giá cao. Cả nước ghi nhận sự cố gắng nỗ lực này của toàn ngành.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi ghi nhận và biểu dương những thành tích và nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách của đội ngũ nhà giáo trên cả nước. Các thầy cô đã khắc phục khó khăn, thách thức để việc học tập của học sinh không bị gián đoạn - ngay cả khi dịch bệnh ở thời điểm căng thẳng nhất. Các thầy cô giáo và ngành giáo dục đã biến nguy cơ, thách thức thành cơ hội và động lực để đổi mới giáo dục. Một lần nữa, xin chia sẻ với những khó khăn, thách thức của các thầy cô trong thời gian qua, xin cảm ơn, tri ân sự cố gắng, nỗ lực và cống hiến của các thầy cô giáo, xin chúc mừng các thầy cô giáo, chúc mừng ngành giáo dục đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kép!
Thưa các đồng chí và các thầy cô giáo!
Chính phủ luôn trăn trở về những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến người dân, đến xã hội, trong đó có ngành giáo dục để chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ. Hàng triệu thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non và ngoài công lập bị ảnh hưởng thu nhập, đời sống khó khăn do dịch bệnh. Thậm chí, tôi biết nhiều thầy cô còn phải làm thêm các công việc khác để lo cuộc sống. Hàng chục triệu trẻ em không được học trực tiếp dài ngày, ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng học và đảo lộn cuộc sống hàng triệu gia đình. Hàng nghìn em đã trở thành mồ côi do mất cha mất mẹ trong dịch bệnh... Khi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi cũng đã chỉ đạo Bộ phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan giải quyết từng bước những khó khăn, bất cập của ngành giáo dục. Trong đó, tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách, chế độ đối với giáo viên, nhất là giáo viên mầm non ngoài công lập, giáo viên vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, cải thiện cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dạy và học, đổi mới sách giáo khoa, đổi mới thi cử bảo đảm khoa học, chất lượng, hiệu quả, có chính sách thu hút nhân tài, tăng cường dạy kỹ năng sống, chú trọng nâng cao hiệu quả, chất lượng các môn học lịch sử, ngoại ngữ, tin học... Tất cả những điều đó để đạt được mục tiêu cuối cùng là phát triển con người, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho đất nước, cho sự nghiệp trồng người, phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có cơ chế ưu tiên cao nhất để có những thầy cô giáo là những sinh viên ưu tú nhất phục vụ sự nghiệp trồng người.
Hiện nay, chúng ta đang thực hiện quyết liệt các giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học. Phương châm là: “Lấy học sinh làm trung tâm”, chú trọng phát triển nhân cách đạo đức, tính sáng tạo của học sinh. Muốn vậy, chúng ta cần tiếp tục lấy “nhà trường làm nền tảng”,“lấy thầy cô giáo làm động lực” để thực hiện thành công phương châm “lấy học sinh làm trung tâm”. Trong quá trình đó, yêu cầu là phải “học thật, thi thật, nhân tài thật”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giáo dục và đào tạo là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch này, nhưng đây cũng là cú hích để chúng ta thay đổi tư duy quản lý, phát huy sự sáng tạo trong mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường và toàn ngành giáo dục. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Năm học 2020-2021 ghi dấu mốc quan trọng với việc xây dựng cơ chế chính sách, tháo gỡ những nút thắt, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu Nghị quyết 29 của Trung ương. Qua đó, tạo sự chuyển biến về chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, đồng thời huy động nguồn lực xã hội và thúc đẩy hội nhập quốc tế. Hôm nay, tôi chỉ nhấn mạnh một số vấn đề Chính phủ cần giải quyết sớm để tạo điều kiện cho ngành giáo dục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Thứ nhất, về vấn đề học trực tuyến. Chính phủ nhất quán quan điểm không thể để các cháu học trực tuyến quá lâu, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế phối hợp với các địa phương có phương án, giải pháp khắc phục việc này theo lộ trình từng bước thận trọng, chắc chắn nhưng phải phải hết sức khẩn trương, đảm bảo an toàn chống dịch. Nghiên cứu thí điểm kết hợp học trực tiếp với học trực tuyến căn cứ vào tình hình dịch bệnh từng khu vực và mức độ bao phủ vaccine.
Thứ hai, đối với giáo viên. Chính phủ tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành liên quan rà soát chính sách hỗ trợ đối với giáo viên, nhất là giáo viên mầm non và ngoài công lập. Trên thực tế, các chính sách hỗ trợ đã được thực hiện nhưng chúng ta cần rà soát lại, đề xuất các phương án phù hợp và giải quyết các vấn đề phát sinh. Trong đó, một vấn đề rất quan trọng cần được quan tâm hơn nữa là sự tôn vinh với các thầy cô giáo bằng nhiều hình thức sâu sắc, rộng rãi hơn để toàn xã hội nhận thức hơn nữa vai trò, vị trí của ngành giáo dục và người giáo viên nhân dân. Rà soát đội ngũ giáo viên theo tinh thần ở đâu có học sinh thì ở đó có giáo viên nhưng phải bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả theo Nghị quyết của Trung ương.
Thứ ba, đối với các cháu học sinh. Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan quan tâm hơn nữa đến các cháu. Thực tế nhiều nơi đã thực hiện giảm học phí cho các cháu nhưng vẫn có một số nơi chưa làm. Về việc này, tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục rà soát lại, phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương hỗ trợ các cháu và gia đình, nhất là ở những tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề do dịch. Mục tiêu của chúng ta là không để cháu nào phải bỏ học do đại dịch, do hoàn cảnh, không để ai bị bỏ lại phía sau trong thực hiện quyền được học tập.
Tôi đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội đẩy mạnh chương trình cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên. Đồng thời, đối với các cháu mồ côi do Covid-19, các bộ, ngành liên quan cần rà soát, đề xuất chính sách quan tâm đến các cháu một cách căn cơ, bài bản và dài hơi. Tôi biết trong thời gian vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã có chính sách hỗ trợ các cháu, nhưng chúng ta cần tiếp tục rà soát xem đã phù hợp và ổn chưa. Nếu còn vướng mắc vấn đề gì, chúng ta tiếp tục tháo gỡ để giảm bớt nỗi đau, chăm lo tốt hơn cho các cháu. Tôi cũng mong các thầy cô giáo quan tâm đến yếu tố tâm lý để giúp các cháu vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Nhân đây, tôi cũng đề nghị các bộ, ngành rà soát và điều chỉnh chính sách đối với trẻ em mồ côi, trẻ em trong các trung tâm bảo trợ xã hội.
Với phụ huynh học sinh, tôi xin chia sẻ những khó khăn, thách thức thời gian qua và mong các bậc phụ huynh cùng với chính quyền, nhà trường linh hoạt tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện cho sự nghiệp trồng người đạt mục tiêu đề ra. Tất cả chúng ta đều phải chung tay, càng khó khăn, thách thức càng nỗ lực phấn đấu vươn lên, vượt qua, khẳng định và trưởng thành, không bị khuất phục bởi bất cứ khó khăn, thử thách nào, đây là truyền thống vô giá của dân tộc ta.
Thứ tư, về điều kiện trang thiết bị cho dạy học trực tuyến. Với tình hình diễn biến dịch hiện nay, chúng ta phải xây dựng nhiều phương án ứng phó với dịch bệnh trong việc dạy và học. Để thuận lợi cho các cháu học trực tuyến, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tôi đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan tiếp tục nâng cấp hạ tầng viễn thông và hỗ trợ sóng miễn phí, trang thiết bị học cho các cháu, triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” hiệu quả hơn để các cháu không vì thiếu điều kiện mà không được học trực tuyến. Đây cũng là điều được nhiều đại biểu Quốc hội trăn trở trong kỳ họp vừa qua.
Bác Hồ đã từng nói: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”. Tất cả những người làm trong ngành giáo dục đều đang thực hiện sứ mệnh rất vẻ vang và đáng tự hào. Tôi kêu gọi các cấp, các ngành, mọi người, mọi nhà, mọi bậc cha mẹ... cùng chung tay sát cánh với ngành giáo dục, với các thầy cô giáo trong sự nghiệp trồng người. Việc giáo dục con người không phải là việc riêng của ngành giáo dục, của các thầy cô giáo. Mỗi người trong chúng ta hãy luôn là một người học trò để học tập không ngừng, học tập suốt đời, học mãi và cũng luôn là một nhà giáo dục nhiệt tình tham gia vào công việc vẻ vang, cao quý này.
Về các đề xuất, kiến nghị tại buổi gặp mặt hôm nay, có những nội dung tôi đã giao các cơ quan xem xét, xử lý, có những việc đang làm, có những việc chưa kịp làm, tôi đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan tổng hợp, báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo tinh thần “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”.
Nhân dịp 20/11, một lần nữa, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ và với tình cảm cá nhân, tôi gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các thầy giáo, cô giáo, các cán bộ quản lý giáo dục trên khắp mọi miền đất nước, các giáo viên là người nước ngoài tham gia giảng dạy tại Việt Nam. Chúc các thầy cô giáo sức khỏe, thành công để thực hiện lời dạy của Bác Hồ: Vì lợi ích 10 năm trồng cây - Vì lợi ích trăm năm trồng người ”.
Xin trân trọng cảm ơn!