A: MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài:
Ở Việt Nam hiện nay, vấn đề bạo lực và xâm hại trẻ em đang trở thành mối lo của gia đình, nhà trường và xã hội. Hiện tượng trẻ em bị xâm hại trong gia đình, trong xã hội hay trong nhà trường đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên khắp mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn. Nó đã gây ra những tác động xấu đến giá trị về nhân phẩm đạo đức, luân thường đạo lí, đặc biệt còn gây hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần, thái độ của trẻ. Trong khi đó môi trường gia đình, nhà trường và xã hội trong thời kỳ hội nhập cùng với sự phát triển nhanh như vũ bão của công nghệ thông tin, bên cạnh những mặt tích cực cũng có những mặt tiêu cực ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm của mọi đối tượng trong xã hội mà đặc biệt là trẻ em từ 0 đến 6 tuổi. Nhiều gia đình cha mẹ thường xuyên cãi nhau, thậm chí còn đánh nhau và dùng vũ lực hoặc không quan tâm, bỏ mặc con cái. Đâu đó ở một số nhà trường chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng ngừa bạo lực học đường dẫn đến việc thực hiện các qui định về đạo đức nhà giáo chưa nghiêm. Ngoài xã hội thì hàng ngày vẫn xảy ra các vụ xô xát, đánh nhau hội đồng của học sinh, những vụ trẻ em bị xâm hại về thể xác, tinh thần, tình dục, bị dọa nạt tống tiền, cống nộp...Tất cả những mặt tiêu cực ấy lại được truyền đi nhanh chóng thông qua các trang mạng xã hội. Điều đó đã ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lí của trẻ.
Vậy làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng bạo lực và xâm hại trẻ em, hình thành lối ứng xử có văn hoá của trẻ trong gia đình, nhà trường và trong xã hội. Đó là nỗi băn khoăn, trăn trở của nhiều nhà quản lý nhà giáo dục cũng như của toàn xã hội. Là một người làm công tác quản lý giáo dục ở trường mầm non, bản thân tôi nhận thức rất rõ ảnh hưởng của môi trường xung quanh đối với việc ngăn ngừa bạo lực và xâm hại trẻ em, chính vì vậy tôi đã lựa chọn và tập trung nghiên cứu đưa ra đề tài “Một số biện pháp chỉ đạo xây dựng môi trường giáo dục an tòan, lành mạnh, phòng chống bạo lực và xâm hại cho trẻ ở trường mầm non”
2. Mục đích nghiên cứu:
Nghiên cứu tìm ra những biện pháp chỉ đạo xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phòng chống bạo lực và xâm hại cho trẻ ở trường mầm non nhằm hình thành phát triển nhân cách trẻ.
3. Nhiệm vụ nghiên cứu:
- Nghiên cứu những lý luận có liên quan đến đề tài.
- Tìm hiểu thực trạng về bạo lực và xâm hại trẻ em.
- Đề xuất những biện pháp chỉ đạo đội ngũ giáo viên làm công tác xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, nâng cao chất lượng giáo dục trẻ.
B: GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I. Cơ sở lý luận:
Năm học 2022-2023 là năm học mà ngành giáo dục tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khoá XII và Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong ngành Giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến tích cực về tư tưởng đạo đức, lối sống văn hóa, phong cách, tác phong làm việc đối với mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, người học; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Thực hiện Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Thực hiện Chỉ thị 1537/CT-BGDĐT ngày 05/5/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường và nâng cao hiệu quả một số hoạt động giáo dục cho học sinh, trong các cơ sở giáo dục, đào tạo; Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28/02/2014 ban hành quy định về quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa;
Vậy xâm hại trẻ em là gì? Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bắt cóc, tra tấn bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác. Xâm hại trẻ em cũng bao gồm cả việc cố tình tước đoạt những nhu cầu tồn tại cơ bản của trẻ như ăn uống, nhà cửa, làm trẻ bị thương tổn về mặt thể chất-tinh thần đến mức nếu không được can thiệp ngay, thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại và phát triển của trẻ hoặc dẫn tới tàn tật hay cái chết. Vì vậy, xâm hại trẻ em bị coi là một tội ác.
Xâm hại tình dục trẻ em là gì? Xâm hại tình dục xảy ra khi một người lớn tuổi hơn, khỏe mạnh hơn sử dụng quyền lực, sức mạnh hoặc dụ dỗ, có thể là tiền bạc, vật chất của mình, lợi dụng sự ngây thơ, lòng tin và sự tôn trọng của trẻ để ép buộc các em tham gia vào hành vi tình dục. Kẻ xâm hại có thể sử dụng nhiều cách: lừa gạt, dụ dỗ, mua chuộc, bắt cóc, đe dọa hay trấn áp về tinh thần hoặc thể chất đối với trẻ để thực hiện hành vi xấu xa của mình. Xâm hại tình dục có thể xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau, ví dụ như có những hành vi tự kích thích tình dục trước mặt trẻ, cố tình phô bày những bộ phận kín của cơ thể; Hôn hít hay sờ mó vào bộ phận kín của trẻ hoặc bắt trẻ phải làm như vậy với mình; Cho trẻ xem sách báo, phim ảnh có tính kích dục...
Thế nên, việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học và xâm hại là trách nhiệm của nhiều ngành, nhiều cấp, của toàn xã hội và phải đáp ứng theo các yêu cầu đã được quy định tại Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 Chính phủ. Tuy nhiên nhà trường vẫn giữ vai trò chủ đạo trong việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường.
II. Cơ sở thực tiễn:
Thời gian gần đây, trong nhà trường liên tiếp rộ lên những chuyện làm dư luận đau xót và lo ngại. Giáo viên, bảo mẫu bạo hành học sinh bằng những cách xâm hại thể chất và tinh thần, vi phạm pháp luật về quyền trẻ em. Những vụ việc đó không chỉ gây bất an trong nhà trường mà còn kéo theo sự xuống cấp đạo đức học đường và đạo đức xã hội.
Qua nghiên cứu cho thấy, mọi trẻ trong cộng đồng đều có nguy cơ bị xâm hại. Mọi sự xâm hại đều dẫn đến trẻ bị tổn thương về thể xác và tinh thần, trẻ luôn phải sống trong sợ hại và mặc cảm.
Việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, cần gắn chặt với việc thực hiện có hiệu quả cuộc vận động và phong trào thi đua: “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; cuộc vận động: “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo”; cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; cuộc vận động “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” trong nhà trường. Nếu thực hiện tốt các nội dung của các cuộc vận động, các phong trào thi đua thì trường sẽ không có bạo lực và xâm hại, môi trường giáo dục luôn thân thiện, an toàn. Bởi vì nội hàm của các cuộc vận động, các phong trào thi đua đều chứa đựng nội dung của một môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, lành mạnh, không có bóng dáng của bạo lực và xâm hại.
Vì vậy đòi hỏi lãnh đạo nhà trường cần quan tâm chỉ đạo tốt đội ngũ CBGC- NV trong nhà trường cùng nhau xây dựng môi trường giáo dục an toàn lành mạnh thân thiện nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và thực hiện tốt mục tiêu giáo dục mầm non.
1.Thuận lợi
- Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Phòng GD&ĐT Huyện Gia Lâm, sự quan tâm phối kết hợp của chính quyền địa phương.
- Cơ sở vật chất khang trang, được trang bị đầy đủ trang thiết bị và đồ dùng dạy học, trường trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1.
- Giáo viên đều đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn, nhiệt tình tâm huyết năng động, sáng tạo, yêu nghề mến trẻ, hăng say trong công việc các cô luôn nghiên cứu tìm tòi phương pháp giáo dục để trẻ lĩnh hội được kiến thức một cách tốt nhất, hiệu quả nhất thông qua hoạt động
- Năm học 2022 -2023 nhà trường đã huy động được 435 trẻ ra lớp với 15 nhóm lớp. Trẻ đều ngoan, có nề nếp, mạnh dạn, tự tin, tích cực trong các hoạt động và thích khám phá tìm hiểu thế giới xung quanh trẻ.
- Đa số bậc phụ huynh rất quan tâm đến việc học của các con, nhiệt tình ủng hộ các hoạt động học của nhà trường, lớp.
2. Khó khăn
- Giáo viên đôi khi còn ngại nói về vấn đề xâm hại tình dục trước trẻ, chưa có nhiều kiến thức, kỹ năng, tài liệu, sách báo về giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ để giáo viên nghiên cứu.
- Đa số trẻ chưa biết về giới tính, chưa biết ai là người được phép chạm và không được chạm vào vùng kín của mình. Trẻ chưa hiểu được việc bị xâm hại tình dục là gì.
- Nhiều gia đình luôn bao bọc, nuông chiều, cho con, ít gần gũi trò chuyện và chơi với con và cho rằng lứa tuổi này còn quá nhỏ, dạy con về giới tính và những kỹ năng phòng chống, tự bảo vệ bản thân nên kinh nghiệm ứng phó còn ngại ngùng, hạn chế.
3. Thực trạng
Đầu năm học 2022-2023, tôi đã thực hiện điều tra trẻ 5 tuổi về phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ.
Điều tra nhận thức của 100% giáo viên và phụ huynh học sinh khối lớn trong trường về vấn đề môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực và xâm hại bằng phiếu điều tra thông qua việc trả lời câu hỏi. ( Phụ lục 1)
Kết quả điều tra:
3.1. Trẻ
Nội dung
|
Số lượng
|
Đầu năm
|
Đ
|
%
|
CĐ
|
%
|
Trẻ biết về giới tính và các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể mình.
|
140
|
65
|
46
|
75
|
54
|
Trẻ biết cách phòng chống xâm hại tình dục.
|
140
|
42
|
30
|
98
|
70
|
Trẻ biết cách xử lý khi gặp phải tình huống nguy hiểm.
|
140
|
36
|
25
|
104
|
75
|
3.2. Giáo viên – phụ huynh
Đối tượng tham gia khảo sát
|
Số lượng người tham gia
|
Số người nhận thức đầy đủ
|
Số người nhận thức chưa đầy đủ
|
Số lượng
|
Tỷ lệ %
|
Số lượng
|
Tỷ lệ%
|
Giáo viên
|
35
|
22
|
63
|
13
|
37
|
Phụ huynh
|
140
|
65
|
46
|
75
|
55
|
Kết quả điều tra cho thấy số trẻ nhận thức và nhận biết về cách phòng chống xâm hại, biết cách xử lý khi gặp phải nguy hiểm còn thấp.
Giáo viên nhận thức đầy đủ chưa cao, số phụ huynh, nhận thức đúng và đầy đủ ít hơn số nhận thức chưa đầy đủ về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện, các hành vi bạo lực và xâm hại.
III. Biện pháp thực hiện.
1. Xây dựng kế hoạch chỉ đạo thực hiện.
Kế hoạch được ví như chìa khóa mở đường đi đến mục đích. Kế hoạch có tầm quan trọng đặc biệt, nó như kim chỉ nam, có tác dụng chỉ đạo, chỉ đường cho hoạt động thực hiện. Vì vậy, nếu xây dựng được kế hoạch coi như ta đã thành công được một nửa công việc. Do vậy, ngay từ đầu năm học tôi đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường thực hiện công tác xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống xâm hại cho học sinh với phương châm: “Nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh về môi trường an toàn lành mạnh, thân thiện” từ đó thay đổi hành vi nếp sống văn minh thanh lịch trong cách ứng xử của CBGV- NV và học sinh trong nhà trường.
Kế hoạch cụ thể như sau:
Tháng
|
Chủ đề
|
Nội dung công việc
|
Người
thực hiện
|
9/2022
|
Trường MN
|
-Tuyên truyền, lồng ghép và giáo dục cho trẻ về các biện pháp phòng chống xâm hại tình dục.
- Điều tra nghiên cứu những biểu hiện, nguy cơ, các biện pháp phòng chống xâm hại tình dục trẻ em từ 2/12/2022 đến hết năm học 30/5/2023.
- Thực hiện chuyên đề Phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ 5 tuổi.
- Trò chuyện và cho trẻ biết về những hành vi đúng sai, nên – không nên về xâm hại...
|
BGH.
Giáo viên
Giáo viên
Giáo viên
|
10/2022
|
Bản thân
|
- Hướng dẫn các kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại cho trẻ.
- Lồng ghép kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em vào các hoạt động giảng dạy.
- Trò chuyện và cho trẻ quan sát về vùng nhạy cảm hay vùng kín của trẻ.
|
NV Y tế
Giáo viên
Giáo viên
|
11/2022
|
Nghề nghiệp
|
- Tổ chức hưởng ứng ngày pháp luật
Nước cộng hòa XHCN Việt Nam. Thi tìm hiểu pháp luật.
- Phát động tuyên truyền chương trình tháng hành động vì trẻ em.
- Tuyên truyền Luật Trẻ emsố 102/2016/QH13 quy định về quyền, bổn phận của trẻ em; nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em.
|
BGH
BGH
Giáo viên
|
12/2022
|
Phương tiện giao thông
|
- Phát động và thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy trong trường học.
- Tuyên truyền các biện pháp phòng chống xâm hại tình dục trẻ em cho CBGV-NV,
|
BGH,
Giáo viên
|
1-2/
2023
|
Hoa, quả và cây xanh
|
- Tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, giáo viên, phụ huynh về ý thức phòng, chống ma tuý; phòng, chốngtệ nạn xã hội trong trường học.
- Tuyên truyền, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma tuý xâm nhập học đường, xây dựng “Nhà trường không có ma tuý”, tệ nạn xã hội.
|
BGH,YT
CBGV,NV
|
3/2023
|
Động vật
|
- Tạo môi trường giáo dục lành mạnh, công bằng, văn minh khắc phục tình trạng bạo lực học đường và những hành vi vi phạm đạo đức, lối sống của nhà giáo.
- Giáo dục cho trẻ kĩ năng giao tiếp, ứng xử, kiềm chế cảm xúc, sống bao dung độ lượng với mọi người,…
|
Giáo viên
Giáo viên
|
4/2023
|
Nước và các hiện tượng tự nhiên
|
- Tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước cho trẻ.
- Dạy trẻ nhận biết những nguy cơ xảy ra tai nạn, thương tích, đuối nước và kĩ năng phòng tránh.
- Phối hợp và tuyên truyền với gia đình, cho trẻ học bơi tại các TTTDTT trong dịp hè.
|
Y tế
Giáo viên
Giáo viên
|
5/2023
|
Quê hương đất nước Bác Hồ
|
- Giáo dục trẻ biết về giới tính cũng như các kĩ năng ứng phó, ứng xử với các tình huống có thể bị xâm hại.
- Trò chuyện với trẻ mọi lúc mọi nơi về một số tình huống để trẻ biết xử lý về xâm hại...
|
Giáo viên
Giáo viên
|
2. Nâng cao nhận thức của CBGV-NV, phụ huynh trong việc giáo dục an toàn, phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em.
Đây là một giải pháp rất quan trọng có tính chiến lược, vì nếu tư tưởng thông suốt thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết. Chính vì thế, khi thực hiện chỉ đạo xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực và xâm hại điều đầu tiên người cán bộ quản lí cần quan tâm đó là nâng cao nhận thức của CBGV-NV, phụ huynh và học sinh về vấn đề này.
Trước tiên cần giúp giáo viên trong nhà trường hiểu được: Môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện là môi trường giáo dục mà người học được bảo vệ, không bị tổn hại về thể chất và tinh thần; không có tệ nạn xã hội, không bạo lực; CBGV-NV, học sinh có lối sống lành mạnh, ứng xử văn hóa; người học được tôn trọng, đối xử công bằng, bình đẳng và nhân ái; được phát huy dân chủ và tạo điều kiện để phát triển phẩm chất và năng lực.
Tiếp đến là phải giúp mọi người hiểu rõ: Bạo lực và xâm hại là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ xảy ra trong và ngoài nhà trường.
Đặc biệt cần phải giúp mọi thành viên trong trường nắm được: Trách nhiệm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện không phải của riêng một cá nhân hay tập thể nào mà là của toàn xã hội, trong đó nhà trường đóng vai trò nòng cốt vì các thành viên trong trường là những người trực tiếp tạo dựng môi trường giáo dục trong trường học và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ môi trường đó.
Thực hiện nâng cao nhận thức cho cán bộ giáo viên nhà trường về việc triển khai và cung cấp đầy đủ các Chỉ thị của Bộ Giáo dục, các văn bản hướng dẫn của các ngành, các cấp có liên quan môi trường giáo dục và bạo lực và xâm hại đến mọi thành viên trong trường như: Luật Giáo dục mầm non, Luật Trẻ em, Nghị định 80/2017/NĐ-CP... Tổ chức cho CBGV-NV nghiên cứu các văn bản của các cấp có liên quan đến nội dung trên.
Biện pháp tiếp theo nhà trường lựa chọn để nâng cao nhận thức cho GVNV tuyên truyền thông qua hội nghị, các buổi sinh hoạt chuyên môn, thông qua hệ thống khẩu hiệu băng zôn như: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, “Nhà trường thân thiện, nhà giáo mẫu mực, học sinh chăm ngoan”, “Bạo lực là vi phạm pháp luật”,...
Ví dụ: Tháng 10 chủ đề “Phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em” tôi chỉ đạo nhân viên Y tế phát động tuyên truyền chương trình phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em. Nhân viên y tế hướng dẫn các kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho CBGVNV. Giáo viên lồng ghép các kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em vào trong các hoạt động.
Qua tuyên truyền, giáo viên phụ huynh học sinh hiểu được thế nào là môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, lành mạnh, những hành vi nào được coi là hành vi bạo lực học đường, bản thân mỗi người phải làm gì để góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.
3. Xây dựng, tổ chức thực hiện, giám sát việc thực hiện bộ qui tắc ứng xử văn hóa và các nội qui, qui định của nhà trường.
Để xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, lành mạnh, không có bạo lực học đường nhất thiết phải xây dựng được bộ qui tắc ứng xử văn hóa trong trường học và triển khai thực hiện một cách nghiêm túc. Khi xây dựng bộ quy tắc ứng xử cần đảm bảo các nguyên tắc định hướng giáo dục đạo đức, lối sống và hoàn thiện nhân cách giáo viên, phù hợp với chuẩn mực đạo đức đã được xã hội thừa nhận, phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp với mục tiêu, đặc điểm của nhà trường, đảm bảo tính thực tiễn và tính khả thi. Đồng thời, nội dung các qui tắc ứng xử phải rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, thể hiện được mối quan hệ nhân văn và thân thiện giữa con người với con người và quan hệ giữa con người với thiên nhiên, cảnh quan.
Đặc biệt khi xây dựng bộ qui tắc ứng xử nội dung phải được thảo luận dân chủ và đồng thuận của các thành viên trong nhà trường. Khi đã thống nhất phải triển khai tới mọi thành viên của trường để thực hiện. Trong quá trình thực hiện phải được kiểm tra, giám sát thường xuyên để tránh hình thức, giáo điều không mang lại hiệu quả. Hàng tháng trong phiên họp Hội đồng Sư phạm cần đưa nội dung thực hiện qui tắc ứng xử và các nội qui của nhà trường vào để đánh giá cùng với đánh giá việc thực hiện nền nếp dạy và học. Qua đó phát hiện những hành vi chưa chuẩn mực để kịp thời uốn nắn, điều chỉnh. Đặc biệt những hiện tượng, hành vi vi phạm các qui tắc ứng xử phải được xử lý nghiêm minh để nhắc nhở mọi thành viên ghi nhớ mà thực hiện cho đúng.
Bên cạnh bộ qui tắc ứng xử, nhà trường cũng phải xây dựng một số nội qui trưng bày ở những nơi dễ nhìn, dễ thấy. Những nội qui này qui định cụ thể chỉ ra những việc nên làm, không nên làm để học sinh nhìn vào đó thực hiện dần dần hình thành cho các em những thói quen tốt, những kĩ năng cần thiết trong cuộc sống, giao tiếp hàng ngày vì lứa tuổi học sinh mầm non thiên về tư duy trực quan.
Bằng những việc làm trên đã dần dần hình thành các nét ứng xử văn hóa trong giáo viên. Mối quan hệ giữa các thành viên trong trường thân thiện hơn, thầy cô gần gũi với học sinh, hòa nhã với đồng nghiệp, học sinh cũng thân thiện với nhau hơn, thường xuyên giúp đỡ nhau những việc nhỏ trong các hoạt động.
4. Giáo viên cung cấp kiến thức, kỹ năng cơ bản giúp trẻ phòng chống xâm hại tình dục.
4.1. Dạy trẻ về giới tính và các vùng nhạy cảm
Kỹ năng đầu tiên là dạy cho trẻ là kiến thức về giới tính của mình: Con là bạn trai hay bạn gái? Giải thích rõ cho các con biết một số đặc điểm rõ nét phân biệt bạn trai, bạn gái. Nếu là trai thì phải như thế nào? Trang phục như thế nào cho phù hợp...
Và tiếp theo là dạy trẻ kiến thức về vùng nhạy cảm trên cơ thể là: miệng, ngực, vùng giữa hai đùi và mông. Nhiều trường hợp các bé bị xâm hại mà không thể tự nhận biết được sự nghiêm trọng của vấn đề do còn quá non nớt và thiếu hiểu biết. Dạy cho trẻ nhận biết rằng các vùng nhạy cảm trên cơ thể chỉ là của riêng các bé và dạy cho trẻ biết cách bảo vệ cơ thể trước sự động chạm của người khác nếu trẻ không thích.
Để cho trẻ hiểu rõ hơn giáo viên đã cho trẻ xem hình ảnh, hay những đoạn video vì trẻ 5- 6 tuổi đặc điểm tâm sinh lý của trẻ dễ nhớ nhanh quên và tư duy hình tượng là chủ yếu và ở tuổi mẫu giáo lớn trẻ thường thích tìm tòi, khám phá, trẻ có nhu cầu rất cao về việc nhận thức, trẻ say mê chơi, thích nhìn, quan sát và thích hỏi.
Ví dụ: Trong hoạt động chiều giáo tổ chức cho trẻ hoạt động chiều, giáo đã đưa ra hình ảnh bé trai, bé gái mặc đồ bơi sau đó cho trẻ quan sát và đàm thoại
- Trên cơ thể các em có những bộ phận nào?
- Cho trẻ quan sát hình ảnh bé trai, bé gái
+ Vùng kín bao gồm những bộ phận nào trên cơ thể các con? (Cô hỏi 2-3 trẻ )
- Các con biết vì sao gọi là vùng kín không?
4.2. Dạy trẻ một số kỹ năng cơ bản phòng tránh xâm hại tình dục
- Không cho người khác chạm vào vùng nhạy cảm
Sau khi trẻ đã có một số kiến thức cơ bản nhất định về vùng nhạy cảm, bước tiếp theo giáo dạy cho trẻ cách bảo vệ cơ thể, không cho bất kỳ ai chạm, kể cả bố mẹ cũng không được chạm vào nếu không có sự đồng ý của trẻ, cần dạy cho bé cách từ chối và phản ứng lại nếu có người cố tình động chạm vào cơ thể khiến trẻ thấy khó chịu. Những kẻ xấu thường chọn những vùng nhạy cảm trên cơ thể của các em để cho việc bắt đầu xâm hại. Vì vậy, các con phải ghi nhớ nguyên tắc 3 không đối với vùng nhạy cảm của mình:
1- Không cho kẻ khác nhìn và không nhìn vào phần nhạy cảm của người khác.
2- Không để người khác nói về vùng nhạy cảm của mình và không nói về vùng nhạy cảm của người khác. Đặc biệt không nên tò mò về cơ thể người khác để tránh bị lợi dụng, dụ dỗ h vô tình kích thích thú tính của kẻ xấu.
3- Không cho người khác chạm vào vùng nhạy cảm của mình và không chạm vào vùng nhạy cảm của người khác.
- Tránh xa người lạ mặt
Dạy cho trẻ cách tránh xa người lạ mặt, không bắt chuyện hay làm quen với bất kỳ ai mà bé gặp trên đường nếu không có sự đồng ý của cha mẹ. Đồng thời, chúng ta nên cảnh báo cho trẻ những nguy hiểm có thể gặp phải khi bé đi chơi một mình với người lạ mặt hoặc đi đến những nơi vắng vẻ, những nơi tối tăm, kín đáo.
Khi trẻ ở nhà một mình, cần dạy trẻ tuyệt đối không được cho bất kỳ người lạ vào nhà. Cũng nên chú ý không cho trẻ đi chơi một mình dù chỉ là sang nhà hàng xóm hay đến nhà người quen mà không có sự theo dõi của bố mẹ.
- Quy tắc bàn tay giao tiếp (Quy tắc 5 ngón tay)
Quy tắc bàn tay giao tiếp là một trong những quy tắc cực kì quan trọng trong việc giúp trẻ nhận thức được sự quan trọng trong từng mối quan hệ được tiếp xúc thế nào và từ đó ngăn ngừa trẻ bị xâm hại bởi những người không đáng tin. Chúng ta cần dạy bé biết quy tắc 5 ngón tay và cho trẻ xem hình ảnh cụ thể sau đây:
Ngón cái đưa lên: Chỉ ôm hôn với những người thân ruột thịt trong 1 nhà (anh chị em ruột, bố mẹ, ông bà) mới được ôm hôn mình để thể hiện tình yêu thương thôi con nhé.
Ngón trỏ đưa lên: Chỉ khoác tay, nắm tay với những người trong họ hàng, thầy cô, bạn bè nhé. Nếu ai vượt hơn giới hạn này như ôm hôn con thì phải có bố mẹ, nếu không hãy nói KHÔNG.
Ngón giữa đưa lên: Con chỉ bắt tay giao thiệp khi gặp người mà mình quen biết nhé.
Ngón áp út đưa lên: Vẫy tay xin chào thể hiện sự thân thiện và hiếu khách nếu gặp người lạ đến nhà hoặc ngoài phố.
Ngón trỏ – ngón áp út đưa lên: Hãy nhắc trẻ luôn nhớ ngón này. Trẻ cần xua tay từ chối để phòng tránh nguy hiểm, tránh xâm hại nếu người lạ đang muốn tiếp xúc, phải biết hét to để cầu cứu, báo động và bỏ chạy nếu có người lạ tiến lại gần và có những cử chỉ thân mật quá mức khiến trẻ bất an, khó chịu.
Khi trẻ ở nhà một mình, cần dạy trẻ tuyệt đối không được cho bất kỳ người lạ mặt nào vào nhà. Cần chú ý không cho trẻ đi chơi một mình dù chỉ là sang nhà hàng xóm hay đến nhà người quen mà không có sự theo dõi của bố mẹ.
- Dạy trẻ cách chạy thật nhanh hoặc nhờ sự giúp đỡ của người khác
Để đề phòng trường hợp không may trẻ bị tấn công, bạn nên đưa ra các giả thiết và hướng dẫn trẻ cách chạy trốn. Bạn có thể dạy trẻ tìm cơ hội lúc kẻ xấu sơ hở để chạy thật nhanh hoặc la hét thật lớn, cầu cứu người xung quanh.
Nên chú ý rằng do sự chênh lệch về sức khỏe nên mọi sự phản kháng của trẻ gần như không đem lại kết quả, thậm chí còn khiến kẻ xấu sử dụng những biện pháp bạo lực hơn. Vì vậy, chỉ có thể dùng sự thông minh và những kỹ năng mới có thể giúp trẻ thoát thân an toàn.
Ngoài ra, bạn cũng nên dạy cho trẻ ghi nhớ số điện thoại của cha mẹ, số điện thoại khẩn cấp để trẻ có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
- Báo ngay cho cha mẹ khi trẻ bị đe dọa hoặc không thích bất kỳ người nào. Cần dạy cho trẻ rằng các bé không phải cần sợ hãi hay lo lắng khi có bất kỳ kẻ nào đe dọa hoặc làm tổn thương đến trẻ. Trong trường hợp có kẻ xấu đe dọa trẻ phải giữ bí mật thì trẻ nên thông báo cho cha mẹ và người thân biết.
Ngoài ra, khi các bé không thích tiếp xúc với bất kỳ người nào, bé cũng nên chia sẻ cho cha mẹ biết và tránh xa những người mà bé không thích hay có những hành vi đụng chạm. Cha mẹ sau khi nghe con chia sẽ, hãy tin tưởng con và cố gắng tâm sự với con để con bớt lo lắng và đề phòng.
- Một số kỹ năng thoát hiểm khi trẻ bị xâm hại
Nếu trẻ không may bị kẻ xấu tấn công hay xâm hại ví dụ như ôm, hôn, bế lên... vậy trẻ phải làm gì để có thể thoát hiểm? Giáo viên đã đưa ra cho trẻ một số tình huống giả định và cùng trẻ thực hiện kĩ năng thoát hiểm bằng những động tác dễ thực hiện: kêu, la hét,chạy, vặn tay, ấn vào mắt kẻ xấu... Vì thế, trẻ rất vui vẻ tập luyện với tâm lý thoải mái. Đây là cách thức dễ dàng nhất để trẻ tiếp nhận và rèn luyện ý thức tự bảo vệ. Phụ huynh nên áp dụng phương pháp này, giúp trẻ tập luyện mỗi ngày để khi gặp kẻ xấu, con sẽ phản ứng nhanh nhạy, bố mẹ nên dạy con phòng tránh xâm hại tình dục với các nội dung đơn giản như không nhận quà của người lạ, báo bố mẹ khi đi chơi, không để ai động vào vùng đồ lót...
5. Giáo dục cho trẻ các kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục mọi lúc mọi nơi.
5.1. Xây dựng môi trường giáo dục.
Với trẻ mẫu giáo thì những gì mới lạ đẹp mắt hấp dẫn là gây được sự chú ý của trẻ. Vì thế việc tạo môi trường trong lớp học rất cần thiết để làm nổi bật nội dung giáo dục trẻ đặc biệt là nội dung phòng chống xâm hại và tạo cho trẻ cảm giác thoải mái, tự tin và nhận thức đúng đắn khi nói về vùng kín vùng nhạy cảm hay về giới tính ...
Bên ngoài lớp học tôi chỉ đạo các lớp có trang trí hình ảnh quy tắc 5 ngón tay có những hình ảnh cụ thể để trẻ dễ hiểu, còn phía trong lớp góc kỹ năng cần sưu tầm tranh ảnh một số tình huống nên- không nên, hay một số kỹ năng thoát hiểm khi bị xâm hại, hay trong tháng 10, hướng chủ đề bản thân, trang trí mảng tường góc khám phá hình ảnh bé trai bé gái mặc đồ bơi cho trẻ cùng nhau khám phá, tìm hiểu về cơ thể, giới tính, vùng kín, vùng nhạy cảm,...
Ngoài xây dựng môi trường giáo dục giúp trẻ về giới tính, về cơ thể, ...tôi còn chỉ đạo giáo viên lồng ghép các nội dung giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại mọi lúc mọi nơi thông qua các hoạt động học, hoạt động vui chơi, cũng như tất cả các hoạt động trong một ngày của trẻ.
5.2. Hoạt động vui chơi
Đối với trẻ trẻ học mà chơi, chơi mà học, trong giờ chơi trẻ được thực hành trải nghiệm nhiều vai chơi khác nhau trong cuộc sống của người lớn. Giáo viên đã tiến hành lồng ghép kỹ năng phòng chống xâm hại vào hoạt động vui chơi, qua đó trẻ được thực hành, tự giải quyết vấn đề khi có tình huống nguy hiểm xảy ra.
Ví dụ: Trong hoạt động góc: Ở góc kỹ năng ngoài chơi các trò chơi rèn kỹ năng: đan, sử dụng kéo, mặc áo, cách gấp quần áo,..., giáo viên còn cho trẻ làm những bài tập: nối, gạch chân... về tình huống thể hiện rõ những hành vi đúng sai của người khác ( những hình ảnh cụ thể: động chạm cơ, nhận quà ...) hay những quy tắc giao tiếp của bé hỏi trẻ nên hay không nên...Từ đó rèn luyện kỹ năng tự biết bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại tình dục. Trong giờ hoạt động góc, trẻ tự phân vai, tự thỏa thuận vai chơi với các bạn chứ giáo viên không hề áp đặt. Khi chơi trẻ còn được phát triển kỹ năng làm việc theo nhóm, biết hợp tác với bạn để giải quyết những vấn đề xảy ra trong thực tế mà không có người lớn bên cạnh. Trong quá trình chơi, giáo viên quan sát, hướng dẫn, gợi ý để trẻ tự giải quyết vấn đề.
Khi tham gia các hoạt động ngoài trời hay giao lưu với lớp bạn, giáo viên luôn giáo dục các con kỹ năng giữ an toàn cá nhân, kỹ năng tránh xa với người lạ mặt, không quen biết. Biết gọi sự trợ giúp từ những người đáng tin cậy như bác bảo vệ, chú công an, các cô bán hàng quanh khu vực đấy…
5.3. Hoạt động học tập
Tôi chỉ đạo giáo viên chủ động lồng ghép 1 số tiết học giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại vào chương trình học của trẻ. Giáo viên trang bị cho trẻ thêm một số kiến thức về giới tính, dạy trẻ quy tắc 5 ngón tay và dạy trẻ một số kỹ năng tự bảo vệ mình phòng chống xâm hại. Qua bài học, trẻ biết giới tính và những vùng kín của bản thân, biết có hành vi thân mật với từng người khác nhau. Với mỗi một kỹ năng phòng chống xâm hại, tôi đều cho cá nhân hoặc nhóm trẻ lên thực hành để trẻ ghi nhớ một cách chủ động và khắc sâu nhất.
Ví dụ: Trong giờ hoạt động khám phá: Đề tài Khám phá cơ thể bé.
Sau khi cho trẻ khám phá về thể bé, giáo viên lồng ghép giáo dục trẻ: cơ thể là của con, tuyệt đối không cho người khác động chạm, sờ, ...khi chưa được cho phép, mà nếu có thì hãy kể ngay với mẹ, người thân ...
Ví dụ : Trong giờ tạo hình: Đề tài: Trang trí chiếc váy
Ổn định tổ chức giáo viên cho một số bạn gái biểu diễn một số trang phục (Mẫu), và cho trẻ nhận xét, sau khi trẻ tôi GD trẻ: Khi mặc trang phục là váy hay quần áo... các con chú ý không nên mặc hở hang, cần phải mặc kín đáo.
Giáo viên không chỉ lồng ghép giáo dục trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục vào các hoạt động vui chơi, các hoạt động học mà tôi còn còn xây dựng trong hoạt động Khám phá
Ví dụ: Hoạt động Khám phá xã hội với đề tài: Bảo vệ bé khỏi xâm phạm tình dục.
Trong phần phương pháp, hình thức tổ chức giáo viên lần lượt dạy trẻ Tìm hiểu về vùng kín (hay vùng nhạy cảm) trên cơ thể bé; Kĩ năng bảo vệ bản thân tránh bị xâm hại tình dục. Trong mỗi nội dung giáo viên sử dụng nhiều hình thức khác nhau: xem video, hình ảnh, tình huống cụ thể ...để thu hút trẻ vào hoạt động, trẻ thích được hoạt động, giúp trẻ hiểu có có kỹ năng xử lý.
5.4. Hoạt động khác: Ngoài lồng ghép vào các hoạt động vui chơi, hay hoạt động học tập mà giáo viên còn thường trò chuyện với trẻ vào các hoạt động chiều, hay giờ đón trả trẻ bằng cách kể chuyện và tạo ra tình huống cho trẻ, mà những tình hướng đó không phải là hình ảnh trừu tượng mà bằng hành động cụ thể, cho trẻ đưa ra cách xử lý, sau đó cô và trò cùng bàn luận và đi đến thống nhất những cách tốt nhất để trẻ được trải nghiệm, rút kinh nghiệm, có kiến thức kỹ năng cơ bản phòng tránh xâm hại.
Ví dụ: Giáo viên dẫn dắt vào một câu chuyện: Hôm nay là sáng chủ nhật Hoài được nghỉ bạn xin phép mẹ sang nhà bác hàng xóm chơi, bé chạy vội sang, và cô đã đóng làm bác hàng xóm, lại gần trẻ, trò chuyện với trẻ và cho trẻ đồ chơi, sau đó bác bế phốc Hoài lên gì bạn Hoài xuống và sờ, ôm.. Sau đó cô hỏi trẻ: Trong trường hợp này các con sẽ làm gì? Sau khi thoát nguy hiểm con sẽ làm gì ?(Giáo viên cho nhiều trẻ nói và cho trẻ lên thực hành theo ý kiến)
Sau khi cho nhiều trẻ nói và một số trẻ lên thực hành
Giáo viên đã đưa ra hướng giải quyết và 2 cô cùng thực hành và cho trẻ thực hành: Sẽ lấy tay hất ra, kêu, và chạy một mạch về nhà và nói lại cho mẹ tuyệt đối không dấu diếm để bố mẹ có hướng giải quyết và giáo dục trẻ: Khi đi chơi phải xin phép người lớn, và được sự đồng ý, và đi đâu đến nhà ai ...
Giáo viên đưa ra rất nhiều tình huống vào trong các câu chuyện khác nhau: Như hai bạn Lan và khang đi một chơi đang chơi vui vẻ, thì có một anh chạy tới trò chuyện lại gần sờ vào các vùng nhạy cảm của bạn Lan. Nếu là Khang con sẽ làm gì? Nếu ở nhà một mình có người lạ muốn con mở cửa hoặc cho quà con sẽ làm gì? Có được mở cửa hay nhận quà của người lạ không?.Nếu có người đi theo, rủ rê con con sẽ làm gì? Con sẽ làm gì khi bị đe dọa: như đánh con, không cho tiền, quà, đồ chơi...? Con sẽ làm gì nếu một ai đó có thể là người quen dặn con:”Đó là bí mật của chúng ta”. Nếu có người chụp ảnh vùng cơ thể riêng tư của con thì con sẽ làm gì?
Giáo viên không chỉ kể chuyện hay tạo tình hướng cho trẻ xử lý mà tôi còn cho trẻ xem video, hay những bộ phim hoạt hình về phòng chống xâm hại tình dục và cách xử lý khi bị xâm hại tình dục.
6. Phối kết hơp với phụ huynh
Trên thực tế nhiều phụ huynh chưa chú ý đến việc rèn luyện các kỹ năng cần thiết cho trẻ. Chính vì vậy mà giáo viên phải tuyên truyền đến các bậc phụ huynh để họ hiểu tầm quan trọng của việc giáo dục, rèn luyện các kỹ năng tự bảo vệ bản thân phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ, phương pháp dạy trẻ như thế nào để trẻ tiếp thu một cách thoải mái, tự nhiên. Việc tuyên truyền đến các bậc phụ huynh được tiến hành trong giờ đón, trả trẻ, thông qua bảng tuyên truyền, thông qua việc mời phụ huynh tham quan hoặc tham ra trực tiếp vào các hoạt động của lớp hay thông qua buổi họp phụ huynh. Cụ thể:
Thông qua giờ đón trẻ, giáo viên đã trao đổi với phụ huynh về tình hình sức khoẻ, vệ sinh cá nhân, những phản ứng kém linh hoạt cũng như những kỹ năng của trẻ để cùng phụ huynh giáo dục trẻ, giúp trẻ chủ động trong các hoạt động.
Tuyên truyền cho phụ huynh hiểu không nên làm hộ con, dậy trẻ tính tự lập. Trẻ càng được hướng dẫn sớm về cách tự lập, tự bảo vệ bản thân, nhận biết những mối nguy hiểm từ xung quanh và cách xử lý mọi tình huống. Vì vậy, cách bảo vệ trẻ tôt nhất chính là dạy trẻ biết cách tự bảo vệ bản thân.
Trong cuộc sống hàng ngày, nên dạy trẻ cách xử lý những tình huống bất trắc mà trẻ có thể gặp phải dưới hình thức trò chuyện, tạo tình huống, gợi mở giúp trẻ tìm ra cách giải quyết, không áp đặt, cấm đoán trẻ.
Thay vì “Con không được làm thế này, thế kia” thì ta nên đưa ra các tình huống cụ thể thông qua thực tế giúp trẻ hiểu tại sao không được làm như thế, nếu xảy ra thì sẽ phải làm như thế nào?
Chính từ những suy nghĩ tìm cách xử lý ở các tình huống cụ thể đó giúp trẻ dần có kỹ năng suy đoán, biết áp dụng những kiến thức kinh nghiệm mình đã có để tìm cách giải quyết. Từ đó trẻ có thể vận dụng với những tình huống khác trong thực tế hàng ngày mà trẻ gặp. Dần hình thành cho trẻ những kinh nghiệm, những kỹ năng biết tự bảo vệ mình trong cuộc sống sau này.
Bên cạnh đó, yêu cầu phụ huynh phối hợp cùng giáo viên trong việc thống nhất phương pháp giáo dục trẻ: Tin tưởng vào trẻ và năng lực của trẻ. Tôn trọng ý kiến của trẻ, không áp đặt ý kiến của mình. Không vội vàng phê phán đúng, sai mà kiên trì giúp trẻ biết tranh luận và có thể đưa ra kết luận của mình.
IV. Hiệu quả của sáng kiến.
Sau thời gian chỉ đạo cán bộ, giáo viên, nhân thực hiện xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, lành mạnh, phòng chống bạo lực và xâm hại từ đầu năm đến nay đã thu được kết quả đáng khả quan. Các hoạt động đều được tổ chức thực hiện theo kế hoạch có chương trình cụ thể và có báo cáo kết quả thực hiện theo học kì.
Về phía nhà trường: Đã tổ chức được những phong trào mới trong học tập, tạo sân chơi kiến thức bổ ích cho trẻ phát triển tư duy, nâng cao tinh thần học tập cho trẻ. Tạo được niềm tin tưởng của phụ huynh, nhà trường thực sự là môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh không có bạo lực và xâm hại.
Về phía giáo viên: Các cô thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức trong công tác giảng dạy, thân thiện với nhau hơn sau mỗi lần tổ chức các hoạt động, có tinh thần trách nhiệm hơn trong công việc, có tinh thần làm việc theo nhóm nhiều hơn. Tập thể CBGV-NV thật sự đoàn kết.
Về phía phụ huynh nhận thức đầy đủ về nội dung xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực và xâm hại, hiểu rõ những việc mình cần làm để thực hiện xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực và xâm hại. Trẻ có những kiến thức và kĩ năng để xử lý các tình huống bị xâm hại. Điều đó thể hiện ở kết quả điều tra nhận thức của giáo viên và phụ huynh.
Kết quả điều tra:
1. Trẻ:
Nội Dung
|
SL
|
Đầu năm
|
Cuối năm
|
Đ
|
CĐ
|
Đ
|
CĐ
|
|
Trẻ biết về giới tính và các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể mình.
|
140
|
65
|
75
|
140
|
0
|
|
Tỷ lệ%.
|
100
|
46
|
54
|
100
|
0
|
|
Trẻ biết cách phòng chống xâm hại tình dục.
|
140
|
42
|
98
|
125
|
15
|
|
Tỷ lệ%.
|
100
|
30
|
70
|
89
|
11
|
|
Trẻ biết cách xử lý khi gặp phải tình huống nguy hiểm.
|
140
|
36
|
104
|
119
|
21
|
|
Tỷ lệ%.
|
100
|
25
|
75
|
85
|
15
|
|
2. Giáo viên – Phụ huynh
Thời gian
|
Đối tượng tham gia khảo sát
|
SL tham gia
|
Số người nhận thức đầy đủ
|
Số người nhận thức chưa đầy đủ
|
Số lượng
|
Tỷ lệ
|
Số lượng
|
Tỷ lệ
|
Đầu năm
|
Giáo viên
|
35
|
22
|
63
|
13
|
37
|
Phụ huynh
|
140
|
65
|
46
|
75
|
54
|
Cuối năm
|
Giáo viên
|
35
|
35
|
100
|
0
|
0
|
Phụ huynh
|
140
|
126
|
90
|
14
|
10
|
Trường Mầm non Yên Thường là một môi trường thực sự “An toàn– lành mạnh - thân thiện không có bạo lực và xâm hại”. 100% trẻ được đảm bảo an toàn tuyệt.
Mối quan hệ giữa các thành viên trong trường luôn gần gũi, thân thiện. Mỗi CBGVNV đều ý thức được những việc mình nên làm, những hành vi mình cần thực hiện để đảm bảo có văn hóa. Các qui tắc ứng xử đã dần được thực hiện nghiêm túc. Giáo viên gương mẫu, học sinh chăm ngoan. Không có tình trạng bạo lực và không trường hợp nào bị xâm hại cả ở trong và ngoài trường đối với trẻ. Các khu vực vệ sinh cũng như sân trường luôn đảm bảo sạch sẽ gọn gàng. Trong lớp học bàn ghế, đồ dùng dạy học... được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Hệ thống điện luôn đảm bảo an toàn và đúng với tiêu chuẩn y tế học đường.
C. KẾT LUẬN, KHUYẾN NGHỊ
I. Kết luận.
“Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” đó là khẩu hiệu và cũng là mục tiêu mà ngành giáo dục Việt Nam đang hướng tới, môi trường nền nếp, thân thiện, lành mạnh, an toàn không có bạo lực và xâm phạm; ở đó, học sinh được yêu thương, che chở, được học tập, rèn luyện, trải nghiệm và trau dồi kiến thức văn hóa, được phát triển năng lực và phẩm chất cũng như được cung cấp các kĩ năng cơ bản về phòng tránh bạo lực và xâm hại.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ chỉ đạo CBGV-NV xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực và xâm hại cho học sinh đạt hiệu quả tốt nhất. Người cán bộ quản lý phải hết sức linh hoạt, áp dụng các biện pháp vào thực tế địa bàn một cách đồng bộ, thường xuyên và phải luôn trau dồi kiến thức, cập nhập kịp thời những thông tin, tiến bộ của khoa học. Ban giám hiệu phải có cái nhìn tổng quát, đoàn kết, thống nhất để tìm ra biện pháp cụ thể chỉ đạo giáo viên đi đúng hướng, phải giúp giáo viên quán triệt nhiệm vụ để có thái độ và hành động đúng. Nêu cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết với nghề và có lòng nhiệt tình yêu thương học sinh. Trau dồi đội ngũ giáo viên có kiến thức kỹ năng thành thạo trong việc giáo dục học sinh. Tuyệt đối tuân thủ và thực hiện nghiêm túc các quy chế của ngành, của nhà trường ban hành ra, không được phép coi nhẹ hoặc bỏ qua bất cứ một hoạt động nào.
Việc xây dựng một môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, lành mạnh trong mỗi nhà trường sẽ góp phần làm giảm thiểu các hiện tượng bạo lực học đường, tránh được sự xâm hại trong cuộc sống đời thường. Để thực hiện được điều đó trước tiên người quản lý nhà trường phải tuyên truyền, phổ biến để mọi người hiểu rõ về bạo lực và môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, lành mạnh, thấy được trách nhiệm của mình đối với việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực và xâm hại. Người quản lý phải xây dựng được nội qui, qui chế và qui tắc ứng xử văn hóa cụ thể cho mỗi thành viên trong trường, phải có chế tài để xử lý những thành viên vi phạm các quy định đã được đưa ra. Đồng thời nhà trường phải đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, đáp ứng được mọi hoạt động của trường. Người quản lý cần phát huy tốt vai trò của giáo viên chủ nhiệm và các tổ chức đoàn thể trong trường để vun đắp lòng nhân ái, trung thực, tự trọng, hình thành nếp nghĩ và lối sống lành mạnh, trọng đạo lý, sống có kỷ luật, tạo được dấu ấn để tác động hình thành nhân cách học sinh, tạo sự tin tưởng của phụ huynh học sinh về môi trường giáo dục.
II. Khuyến nghị đề xuất.
Bộ giáo dục biên soạn bộ sách giáo dục Kỹ năng sống đưa vào chương trình dạy học chính thức chứ không dạy lồng ghép như hiện nay, để nâng cao kỹ năng sống cho trẻ. Giúp các em ứng phó được với các tình huống xảy ra trong cuộc sống làm giảm thiểu bạo lực và xâm hại như hiện nay.
Phòng Giáo dục tiếp tục tổ chức nhiều các chuyên đề kĩ năng sống cho trẻ để các nhà trường được học tập trao đổi kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động cho trẻ.
Trên đây là một số kinh nghiệm của bản thân tôi trong quá trình chỉ đạo xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần phòng chống bạo lực và xâm hại. Những việc tôi làm đã thành công và có kết quả tốt trong trường tôi quản lý, mong rằng kinh nghiệm này sẽ góp phần làm phong phú hơn phương pháp và cách thức quản lý giáo dục trong trường mầm non, góp phần giải quyết vấn đề đang gây bức xúc trong các nhà trường và toàn xã hội đó là vấn đề “Bạo lực và xâm hại”. Tuy nhiên do điều kiện, thời gian chưa nhiều nên vẫn còn có phần hạn chế, tôi mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo để đề tài của tôi đạt hiệu quả cao hơn, giúp tôi thành công hơn nữa trong công tác quản lý chỉ đạo các hoạt động trong nhà trường.
Xin trân thành cảm ơn
Phụ lục 1
PHIẾU ĐIỀU TRA
Những hiểu hiếu biết về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh,
thân thiện, phòng chống bạo lực và xâm hại.
Đối với giáo viên và phụ huynh học sinh:
1- Anh (Chị) hiểu thế nào là một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện ?
2- Trách nhiệm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực và xâm hại thuộc ai ?
3- Anh (Chị) đã làm gì để góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện, phòng chống bạo lực và xâm hại ?
4- Anh (Chị) hiểu thế nào là phòng chống bạo lực và xâm hại ?
5- Anh (Chị) có thể làm gì để phòng ngừa xâm hại tình dục cho con em bạn.
D. TÀI LIỆU THAM KHẢO.
1. Kỹ năng phòng chống xâm hại và bạo hành trẻ 4-5 tuổi.Tác giả: Phạm Thị Hiền – Trần Thị Kim Uyên – Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam.
2. Kỹ năng phòng chống bạo lực học đường.Giáo sư, tiến sĩ: Huỳnh Văn Sơn – Nguyễn Hoàng Xuân Huy – Nguyễn Bích Thảo. Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành Phố Hồ Chí Minh
3. Cẩm nang phòng chống xâm hại trẻ em. Tác giả: Nguyễn Hương Linh – Nhà xuất bản Kim đồng.
4. Tớ biết bảo vệ cơ thể mình. Tác giả: ANNAHANCOCK